Bất chấp đồng Yên mất giá kỷ lục, doanh số tại Nhật của Tập đoàn FPT vẫn bứt phá mạnh

Tập đoàn FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay với lợi nhuận tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số tại Nhật bứt phá mạnh cho dù đồng Yên mất giá kỷ lục.

Thị trường Nhật Bản bứt phá mạnh bất chấp đồng Yên mất giá kỷ lục

Công ty Cổ phần FPT (Tập đoàn FPT, mã cổ phiếu FPT - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023. Theo đó, tập đoàn công nghệ này ghi nhận tổng doanh thu 37.927 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 6.768 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,4% và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, mức lãi ròng cho cổ đông công ty mẹ là 4.742 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Dữ liệu cho thấy, khối công nghệ, bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 59% tổng doanh thu (tương đương 22.517 tỷ đồng) và 46% tổng lợi nhuận trước thuế (tương đương 3.128 tỷ đồng) của toàn tập đoàn. So với cùng kỳ năm trước, khối công nghệ của Tập đoàn FPT ghi nhận mức tăng 25,7% về doanh thu và tăng 20,8% về lợi nhuận.

Tập đoàn FPT
 Doanh thu từ các thị trường nước ngoài trọng điểm của Tập đoàn FPT tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh.

Đáng chú ý, Tập đoàn FPT cho biết, các thị trường nước ngoài trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản với mức tăng lên đến 44,1% cho dù đồng Yên Nhật đã mất giá kỷ lục. Đà tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhu cầu đầu tư lớn vào công nghệ thông tin của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.

Hồi giữa tháng 7/2023, Tập đoàn FPT đã ký thoả thuận hợp tác, phụ trách toàn bộ việc phát triển phần mềm cho nhiều loại thiết bị của Nippon Seiki - tập đoàn sản xuất thiết bị đo tốc độ lớn nhất Nhật Bản.

Tập đoàn FPT cũng cho biết đã ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu ký mới đạt 20.700 tỷ đồng, tăng trưởng 23,2% do với cùng kỳ. Trong đó, có 20 dự án với quy mô trên 5 triệu USD, cho thấy sự chuyển dịch rõ ràng hơn sang các đơn hàng lớn.

Tuy nhiên, thị trường trong nước lại cho thấy những thách thức do nhu cầu sụt giảm từ khối khách hàng doanh nghiệp. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước đem về cho Tập đoàn FPT 4.891 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 250 tỷ đồng, giảm tới 34,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với khối viễn thông và giáo dục, Tập đoàn FPT tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng ổn định. Trong đó, dịch vụ viễn thông ghi nhận tổng doanh thu 11.278 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.217 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, lần lượt tăng 10,1% và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng giáo dục đem về 4.435 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn FPT, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo lượng đơn hàng ký mới tại thị trường Mỹ sẽ hồi phục từ quý 4

Theo đánh giá mới đây của BSC Equity Research, tăng trưởng của Tập đoàn FPT tại  thị trường Nhật và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức cao trong những tháng tới của năm 2023 và năm 2024 nhờ việc nắm giữ nhiều lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, giải pháp công nghệ thông tin của Tập đoàn FPT đang thấp hơn 50% so với việc khách hàng tự bảo trì và thấp hơn 20% so với các đối thủ (Trung Quốc, Ấn Độ…) trong khi vẫn đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có đặc điểm là khối lượng hợp đồng, đơn hàng mới sẽ được giao dựa trên sự hài lòng và chất lượng của đối tác trong quá khứ. Theo khảo sát của tờ The Japan Times, nhu cầu chi tiêu cho công nghệ tại Nhật Bản sẽ ở mức lớn khi phần lớn các doanh nghiệp nước này sẽ tập trung vào chuyển đổi số trong giai đoạn 2023 – 2024 để tiết kiệm chi phí nhân công, giảm phát thải carbon, và bắt kịp các nước trong khu vực Châu Á và G7.

Giá cổ phiếu FPT Tập đoàn FPT
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Đâu là động lực dẫn dắt cổ phiếu FRT - FPT Retail vượt đỉnh lịch sử?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đáng chú ý, trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn FPT tại thị trường Mỹ dự kiến sẽ khởi sắc trở lại khi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin đã có dấu hiệu hồi phục và làn sóng sa thải nhân sự công nghệ thông tin tại đây đã chấm dứt. Cụ thể, chỉ số chi tiêu cho công nghệ thông tin tại đây trong tháng 8/2023 đạt 14,6 điểm, tăng tới 11,7 điểm so với tháng 7/2023 và trở lại gần vùng đỉnh của năm 2023.

Do đó, lượng đơn hàng ký mới của Tập đoàn FPT tại thị trường Mỹ được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại trong quý 4/2023 và tạo đà tăng trưởng năm 2024 do các đơn hàng ký mới trong quý 4/2023 sẽ chủ yếu được ghi nhận trong nửa đầu năm 2024.

Gần đây, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã công bố chiến lược đầu tư vào thị trường Mỹ, phát triển nhân lực trong lĩnh vực AI và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Theo đó, Tập đoàn FPT dự kiến sẽ đầu tư 100 triệu USD và tuyển dụng gần 1.000 nhân sự tại Mỹ vào cuối năm nay. Với việc gia tăng đầu tư, tập đoàn này kỳ vọng doanh thu từ thị trường Mỹ sẽ cán mốc 1 tỷ USD vào năm 2030.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 18/10, giá cổ phiếu FPT đạt 93.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 39% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang