Bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, Tập đoàn Novaland (NVL) nói gì?

Hãng kiểm toán PwC đã lưu ý về nghi ngờ đáng kể đối với khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn Novaland (mã cổ phiếu NVL) trong thời gian tới.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Tập đoàn Novaland, mã cổ phiếu NVL - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 do hãng kiểm toán PwC thực hiện.

Sau kiểm toán, mức lãi ròng của Tập đoàn Novaland chỉ còn 486 tỷ đồng, giảm 29% so với con số trên báo cáo tự lập. Nguyên nhân chủ yếu do khoản lỗ đến từ việc trích lập dự phòng giảm giá trị hàng tồn kho tại công ty liên kết theo yêu cầu từ PwC trên quan điểm thận trọng. Khoản trích lập dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập khi các dự án của Tập đoàn Novaland tiếp tục triển khai.

Tập đoàn Novaland
Bên cạnh việc điều chỉnh giảm 29% lãi ròng, PwC còn lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn Novaland.

Đáng chú ý, hãng kiểm toán PwC đưa ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn Novaland trong thời gian tới khi triển vọng thị trường bất động sản và áp lực thanh toán trái phiếu sẽ tác động đáng kể đến tình hình kinh doanh của tập đoàn này.

Về vấn đề này, ban lãnh đạo của Tập đoàn Novaland cho biết có 9 giả định chính về khả năng hoạt động liên tục.

Thứ nhất, giải phóng tiền gửi đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng: Tập đoàn Novaland đang có 853 tỷ đồng bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay. Số tiền này sẽ được giải phóng nếu được sử dụng đúng mục đích của các dự án do ngân hàng quản lý, do đó việc sử dụng được nguồn tiền này phụ thuộc vào phê duyệt của ngân hàng.

Tính đến ngày lập báo cáo tài chính, tập đoàn đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải phóng 419 tỷ đồng, và tin rằng sẽ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng còn lại.

Thứ hai, tái cấu trúc khoản nợ vay và nợ trái phiếu: Tổng số nợ vay và nợ trái phiếu của Tập đoàn Novaland là 57.712 tỷ đồng. Tập đoàn đã thanh toán được 645 tỷ đồng trên dư nợ gốc và đang đàm phán một số khoản nợ vay.

Thứ ba, thực hiện các thỏa thuận tái cấu trúc: Tập đoàn Novaland đã đạt được một số thỏa thuạn tái cấu trúc ban đầu với chủ nợ và đang trong quá trình thực hiện các điều kiện tiên quyết để phương án tái cấu trúc có hiệu lực.

Các chủ nợ vẫn sẵn sàng thương thảo vè việc chấp thuận gia hạn và cho phép tập đoàn thời gian để khắc phục.

Thứ tư, số dư phải trả ngắn hạn khác sẽ được gia hạn: Tập đoàn Novaland đã ký thỏa thuận với các bên với số tiền là 3.809 tỷ đồng về đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn hợp đồng thêm một năm hoặc hơn kể từ ngày đến hạn đối với số dư nợ ngắn hạn.

Số dư còn lại đang trong quá trình đàm phán với các bên để xin gia hạn hoặc thanh toán một phần bằng hình thức hoán đổi bất động sản.

Thứ năm, ngân hàng cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính để triển khai xây dựng: Các ngân hàng trong nước cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính để triển khai xây dựng các dự án nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho người mua nhà.

Trong năm 2023, Tập đoàn Novaland đã được giải ngân số tiền là 2.785 tỷ đồng thông qua các hợp đồng tín dụng mới từ các ngân hàng.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Novaland tin tưởng rằng tập đoàn này sẽ tiếp tục giải ngân được thêm hạn mức tín dụng mới với số tiền là 15.816 tỷ đồng trong 12 tháng tiếp theo để tài trợ cho các dự án đang phát triển.

Thứ sáu, bán tài sản: Tập đoàn Novaland sẽ bán tài sản với số tiền dự kiến là 2.870 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả trong khoảng thời gian quy định theo điều khoản hợp đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn Novaland cho biết, đã nhận được thư quan tâm nhưng chưa có điều khoản ràng buộc từ nhà đầu tư về việc bán tài sản với giá trị dự kiến 8.917 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Tập đoàn Novaland tin tưởng rằng sẽ hoàn tất việc bán tài sản này trong vòng 12 tháng tiếp theo.

Giá cổ phiếu NVL Tập đoàn Novaland
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Hỗ trợ nợ cho Tập đoàn Novaland, Novagroup tiếp tục muốn bán hơn 4 triệu cổ phiếu NVL" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Thứ bảy, các biện pháp cụ thể của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản.

Thứ tám, hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn: Tập đoàn Novaland nhận được sự cam kết hỗ trợ tài chính của Công ty Cổ phần NovaGroup (cổ đông lớn nhất hiện nay), cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ để góp phần giúp tập đoàn thanh toán các khỏa nợ đến hạn khi cần thiết trong hoạt động kinh doanh để duy trì hoạt động liên tục ít nhất trong 12 tháng tiếp theo.

Thứ chín, loạt dự án trọng điểm được tái khởi động: Novaland đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và chính quyền địa phương để xem xét tình trạng pháp lý và giải quyết các dự án còn vướng mắc pháp lý.

Tập đoàn Novaland kỳ vọng sẽ đạt được các cột mốc pháp lý nhất định vào năm 2024 cho mục tiêu bán hàng của mình trong 12 tháng tiếp theo góp phần đảm bảo cho việc thu tiền từ các hợp đồng đã ký với khách hàng, để tạo ra đủ dòng tiền để tài trợ cho các dự án đang phát triển và cho các hoạt động kinh doanh thông thường trong 12 tháng tiếp theo.

Từ các yếu tố nêu trên, ban lãnh đạo Tập đoàn Novaland tin rằng tập đoàn này sẽ có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn trong 12 tháng tới.

Duy Quang