Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp phát triển, là đô thị loại I cấp quốc gia với tổng diện tích đất tự nhiên là 1.519,2 km2, dân số trên 1.812,7 triệu người. Là thành phố cảng biển trung tâm miền duyên hải Bắc bộ, Hải Phòng được thừa hưởng rất nhiều lợi thế do thiên nhiên và vị trí địa lý mang lại. Chính vì vậy, Hải Phòng có tiềm năng rất lớn cho phát triển một mô hình kinh tế đa ngành, trong đó có tiềm năng phát triển công nghiệp một cách mạnh mẽ.

Do đặc điểm lịch sử địa chất Hải Phòng ít có dấu vết của hoạt động macma nên ít có các mỏ khoáng sản lớn. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò khảo sát thì Hải Phòng có tiềm năng rất phong phú, đa dạng về khoáng sản. Theo phân bố của địa chất, thì khoáng sản kim loại gồm có: mỏ sắt Dưỡng Chính (Thuỷ Nguyên), sa khoáng ven biển (Cát Hải và Tiên Lãng). Khoáng sản phi kim loại có mỏ cao lanh ở Doãn Lại (Thuỷ Nguyên), mỏ sét ở Tiên Hội, Chiến Thắng (An Lão), các điểm sét ở Kiến Thiết (Tiên Lãng), Tân Phong (Kiến Thụy), Đồng Thái (An Hải). Đá vôi phân phối chủ yếu ở Cát Bà, Tràng Kênh, Phi Liệt, phà Đụn; quaczi và tectit ở một số núi thuộc Đồ Sơn; phốt phát ở đảo Bạch Long Vĩ; nước khoáng ở xã Bạch Đằng (Tiên Lãng). Trên đảo Bạch Long Vĩ có đá asfalt, sản phẩm oxy hoá dầu, cho biết có triển vọng dầu khí vì thềm lục địa Hải Phòng chiếm đến 1/4 diện tích Đệ Tam vịnh Bắc Bộ, có bề dày đạt tới 3.000 m.

Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng, là tiềm năng cho công nghiệp Hải Phòng phát triển. Trải qua quá trình xây dựng, ngành công nghiệp Hải Phòng đã có những bước tiến vững chắc, thể hiện sức mạnh tiềm tàng của một ngành công nghiệp có bề dày lịch sử đối với cả nước. Theo thống kê, đến năm 2006, trên địa bàn thành phố đã có trên 1.600 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bao gồm 36 doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ngành trung ương, gần 1.000 doanh nghiệp được thành lập theo luật doanh nghiệp, luật HTX như các công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã và xí nghiệp tư nhân đang phát triển mạnh.

Công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải phòng hiện đang đứng vị trí thứ 6 trên 64 tỉnh thành phố, sau những trung tâm công nghiệp có tiềm năng lớn đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khá mạnh như: Hà Nội, Thành phố Hồ chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai. Công nghiệp ngoài quốc doanh của Hải phòng đang có nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn cả về thiết bị công nghệ thu hút hàng vạn lao động trên địa bàn Thành phố và khu vực. Hiện nay kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp Hải phòng đang chiếm tỷ trọng trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2010, với quan điểm nâng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP lên cao. Theo đó, mục tiêu phát triển tổng quát công nghiệp Thành phố Hải Phòng được mô tả như sau: Đưa tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP chiếm từ 38 - 39% vào năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành công nghiệp - xây dựng đạt 13,5 - 14%/năm (riêng GDP công nghiệp là 14 - 14,5%/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 51.520 tỷ đồng vào năm 2010. Cơ cấu thành phần gồm: công nghiệp trong nước chiếm 57,04%, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm từ 42,96%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.700 triệu USD vào năm 2010...

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở huy động có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xã hội, nâng hiệu quả kinh tế và xã hội, tăng khả năng cạnh tranh đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế là quan điểm xuyên suốt từ cấp thành phố đến ngành. Nhiệm vụ đặt ra là, phát triển công nghiệp Hải phòng phải đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển công nghiệp đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa lợi thế của cảng biển và truyền thống công nghiệp lâu đời.

Trên cơ sở phân tích năng lực sản xuất, công nghệ và lợi thế của một số nhóm ngành sản xuất công nghiệp và trên cơ sở tham mưu của Sở Công nghiệp Hải Phòng, Thành phố đã nêu ra Qui hoạch các sản phẩm có thể tham gia cạnh tranh là: Các sản phẩm nhựa gia dụng, sơn, xi măng, tàu vận tải 1,5 vạn tấn, xe đạp, thủy sản đông lạnh, nước chấm, dệt may, giày dép, đồ điện gia dụng, dây dẫn điện, chế biến hoa quả, một số sản phẩm cơ khí. Tất cả những sản phẩm này phải đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và phải đảm bảo bằng hoặc thấp hơn giá sản xuất ở khu vực ASEAN. Vì vậy, các sản phẩm dự kiến tham gia cạnh tranh phải được các doanh nghiệp chủ trọng đầu tư để nâng cao chất lượng, tìm biện pháp hạ giá thành.

Để thực hiện thành công những mục tiêu cơ bản nêu trên, trong những năm tới ngành công nghiệp Hải Phòng sẽ phải tích cực chủ động, chuẩn bị sẵn hạ tầng kỹ thuật như: Xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo hướng hiện đại để thu hút đầu tư, đồng thời gắn với phát triển dịch vụ liên quan và nhà ở với cơ cấu, quy mô hạ tầng thích hợp. Ưu tiên giải quyết mặt bằng cho các dự án lớn, có công nghệ tiên tiến và các dự án phát triển dịch vụ hiện đại phục vụ công nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần phải coi trọng phát triển nguồn năng lượng phục vụ sản xuất.

Song song với việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp Hải Phòng sẽ phấn đấu đẩy nhanh tốc độ đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất công nghiệp. Bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới và chuyển giao công nghệ, thực hiện nhiệm vụ đổi mới công nghệ theo hướng gắn kết giữa cơ quan nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp. Lựa chọn và tập trung phát triển công nghệ ở một số ngành trọng điểm như: cơ khí chế tạo, sản xuất sản phẩm xuất khẩu, sử dụng tài nguyên biển, xử lý môi trường. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở điều chỉnh lại hệ thống đào tạo trên địa bàn. Mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Khẩn trương xây dựng chiến lược thị trường cho từng ngành, từng sản phẩm đảm bảo phù hợp các điều kiện khi tham gia đầy đủ vào AFTA và WTO...

Ngoài bốn nhóm giải pháp chính như đã nêu ở trên, Sở công nghiệp Hải Phòng cũng đã tham mưu cho Thành phố, để xây dựng các nhóm giải pháp kèm theo gồm: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp; tăng cường sự quan tâm và chỉ đạo của thành phố đối với phát triển công nghiệp; thực hiện có hiệu quả chương trình công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn; phát triển công nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về môi trường sinh thái và phát triển bền vững; phát triển công nghiệp luôn gắn kết với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phát triển; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nghiên cứu mô hình và nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng ở doanh nghiệp...

Những định hướng đúng đắn, cùng các nhóm giải pháp đã nêu ở trên, là cơ sở để công nghiệp Hải Phòng vươn lên tầm cao mới, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

  • Tags: