Vinacomin : Hoạt động khoa học công nghệ không ngừng lớn mạnh góp phần nâng cao năng lực của ngành Than

Mới đây, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2006-2010, phương hướng nhiệm vụ 20
Không ngừng lớn mạnh về số lượng đề tài các cấp
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2006-2010 hoạt động KHCN của Tập đoàn không ngừng lớn mạnh về số lượng đề tài các cấp và kinh phí được Nhà nước giao. 

Đặc biệt, trong giai đoạn 2006-2010, Tập đoàn đã thực hiện hơn 1.000 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm các cấp với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng. Tiêu biểu như nghiên cứu áp dụng các công nghệ cơ giới hóa khai thác than bằng đồng bộ thiết bị máy khấu và giàn tự hành tại Vàng Danh, Nam Mẫu; bằng tổ hợp 2 ANSHA tại Mạo Khê, Hồng Thái; bằng máy khoan đường kính lớn tại Đồng Vông; ứng dụng thành công và đưa vào hàng loạt hệ thống quan trắc khí mêtan tập trung tự động ở hầu hết các mỏ hầm lò… Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và các giải thưởng khác như giải WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Liên hiệp Quốc), Hội chợ triển lãm “Sáng tạo quốc tế” lần thứ 4.

Đồng thời, Tập đoàn đã ứng dụng thành công và đưa vào hàng loạt hệ thống quan trắc khí mê tan tập trung tự động ở hầu hết các mỏ hầm lò, hệ thống giám sát điều độ tập trung sản xuất ở nhiều đơn vị, hệ thống giám sát tự động, định vị nhân sự trong hầm lò...

Trong 5 năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ của ngành nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công Thương, sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả của các bộ, ngành liên quan, hoạt động KHCN ngành Than-Khoáng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong tất cả các lĩnh vực: Quy hoạch Chiến lược phát triển ngành Than, công nghệ khai thác; tuyển; chế biến, sử dụng than, khoáng sản; phát triển điện, năng lượng, vật liệu mới; kỹ thuật tự động hoá; sản xuất cơ khí, chế tạo thiết bị điện, an toàn; bảo vệ môi trường... mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao mức độ an toàn, năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu gia tăng về nguyên nhiên liệu cho nền kinh tế quốc dân, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của ngành Công nghiệp khai khoáng của Việt Nam.

Đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã phát biểu ý kiến đánh giá cao kết quả Tập đoàn đã đạt được và tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, ngành Than-Khoáng sản sẽ nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, tạo động lực và đột phá mới để đưa KHCN thực sự trở thành đòn bẩy, động lực cho Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Sau khi nghe các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, đồng chí Tổng Giám đốc Tập đoàn đã kết luận đánh giá, nhận xét chung về hoạt động KHCN giai đoạn 2005-2010 của ngành Than-Khoáng sản và chỉ đạo phương hướng nhiệm vụ KHCN chủ yếu của Ngành trong giai đoạn tiếp theo từ 2011- 2015 như sau:

- Củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý hoạt động KHCN của Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc; tăng cường nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng KHCN của Ngành.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trên toàn bộ các lĩnh vực thăm dò địa chất, đánh giá điều kiện tự nhiên, khai thác, chế biến sử dụng than và các loại khoáng sản để đảm bảo khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển quá trình CNH, HĐH ngành Than - Khoáng sản theo “Chiến lược phát triển bền vững Vinacomin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
- Tăng cường nghiên cứu, phát triển công nghệ, chú trọng phát triển nghiên cứu ứng dụng, triển khai công nghệ mới, hiện đại trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, chủ lực nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tốc độ và chất lượng, tăng trưởng của các doanh nghiệp và của toàn Tập đoàn.
- Tập trung xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ theo hướng phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đạt trình độ khu vực và quốc tế, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng KHCN đạt trình độ trung bình tiên tiến trên thế giới.

Hội nghị đã thành công tốt đẹp và đánh dấu một giai đoạn hoạt động khoa học công nghệ của ngành Than-Khoáng sản và xác định được phương hướng nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, đảm bảo tiến độ công trình. Ở các mỏ hầm lò, đẩy mạnh cơ giới hóa khấu than ở các lò chợ; ở các lò chợ khấu nổ mìn sử dụng 100% vì chống thủy lực; áp dụng các sơ đồ công nghệ khai thác mới trong các điều kiện địa chất phức tạp (vỉa dày, dốc, vỉa mỏng, dưới các trụ bảo vệ,…) nhằm tăng năng suất, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao mức độ an toàn, tiết kiệm tài nguyên trong khai thác; nghiên cứu áp dụng công nghệ đào lò tiên tiến, chống lò vì neo ở những nơi có điều kiện sử dụng. Các công ty than lộ thiên áp dụng các thiết bị có trọng tải lớn, triển khai xây dựng các băng tải đá Đèo Nai, Cao Sơn,… Hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến than phù hợp để nâng cao chất lượng, hệ số thu hồi than. Các công ty kho vận đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch các kho, bến cảng nhận và giao than; cơ giới hóa các khâu bốc rót, pha trộn theo hướng băng tải hóa. Khuyến khích áp dụng công nghệ, sáng kiến cải tiến.

Nhân dịp này, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam công bố các quyết định khen thưởng và trao bằng khen của Bộ Công Thương và của Tập đoàn cho các tập thể và cá nhân đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển KH&CN của Ngành giai đoạn 2006 - 2010.
  • Tags: