Cải cách tiền lương và những bất cập

Từ ngày 01-10-2005, Chính phủ đã quyết định tăng lương và trợ cấp xã hội cho nhiều đối tượng. Nhìn chung, có những người hưởng lương và trợ cấp xã hội mừng, nhưng nhiều người thuộc các công ty, cơ qua

Mặc dù, đã qua bốn lần cải cách, nhưng đến nay, chính sách tiền lương của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập.

Ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, lương cũng còn thấp. Chẳng hạn, theo Quyết định số 128/QĐ/TW của Ban Bí thư, từ ngày 01-10-2004, hệ số lương của Tổng Bí thư là 13, tương ứng 3,77 triệu đồng/tháng và hệ số lương của ủy viên Bộ Chính trị là 11,1 và 11,7, có mức lương tương ứng là 3,219 và 3,393 triệu đồng/tháng.

Còn theo Nghị quyết số 730 của ủy ban Thường vụ Quốc hội, hệ số lương từ 01-10-2004 của Chủ tịch nước là 13, tương ứng 3,77 triệu đồng/tháng; Chủ tịch Quốc hội có hệ số lương là 12,5, tương ứng 3,625 triệu đồng/tháng; hệ số lương của Thủ tướng Chính phủ là là 12,5, tương ứng 3,625 triệu đồng/tháng; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có hệ số lương 9,7 và 10,3 và tương ứng từ 2,813 triệu đồng  đến 2,987 triệu đồng/người/tháng.

Theo một chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), tại Hội thảo “Chính sách tiền lương trong tiến trình hội nhập quốc tế” tổ chức ở Hà Nội, ngày 23-9-2005, thì: “ Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới còn xác định mức lương tối thiểu theo thành phần sở hữu”. Đó là nhận xét về thực trạng phân biệt mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam.

Trên thế giới hiện phổ biến ba hình thức lương tối thiểu: lương tối thiểu duy nhất chung cho cả nước, lương tối thiểu theo ngành nghề, và lương tối thiểu theo vùng. Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, bởi các doanh nghiệp nhà nước đang áp dụng mức lương tối thiểu thấp hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, mức lương tối thiểu làm căn cứ để trả cho người lao động ở khu vực FDI được quy định tại Quyết định 53/1999/QĐ-TTg ngày 26/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 708/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 15/6/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cụ thể, có 4 mức lương tối thiểu được quy định áp dụng là 626.000 đồng/tháng (tương đương 45 USD/tháng) cho vùng thuộc các quận của thành phố Hà Nội và Tp.HCM; 556.000 đồng/tháng (40 USD/tháng) cho các huyện của thành phố Hà Nội và Tp.HCM, các quận của Hải Phòng, Biên Hoà và Vũng Tàu; 487.000 đồng/tháng (35 USD/tháng) cho các huyện, tỉnh và thành phố còn lại; 417.000 - 487.000 đồng/tháng (30- 35 USD/ tháng) đối với những vùng cơ sở hạ tầng còn khó khăn. Những mức lương này được áp dụng từ ngày 1/7/1999.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc nâng mức lương tối thiểu cho người lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ được thực hiện từ đầu 2006. Theo đó, mức lương tối thiểu khả thi nhất cho khu vực FDI là 870.000 đồng/tháng (tương đương 55 USD/tháng) áp dụng cho các doanh nghiệp khu vực thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương; 790.000 đồng/tháng (50 USD/tháng) cho các doanh nghiệp khu vực Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ và 710.000 đồng/tháng (45 USD/tháng) cho các địa bàn còn lại.

Nhiều người rất bức xúc xung quanh những quy định của Việt Nam về lương tối thiểu cho những người lao động trong các doanh nghiệp FDI trước đây và tương lai sắp tới (điều chỉnh tăng lên), đều còn cách khá xa mức chuẩn nghèo của thế giới

Thực tế, nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp Hà Nội cũng đang trả lương cho người lao động chỉ cao hơn lương tối thiểu không đáng kể.

Chẳng hạn, Công ty Canon hiện có 4.000 lao động, nhưng công nhân chỉ được trả 620.0000 - 640.000 đồng/tháng/người; Công ty Denso hiện có 800 công nhân, nhưng mức lương chỉ khoảng 640.000 đồng/tháng/người.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, từ 01-10-2005 trở đi, áp dụng mức lương tối thiểu là 350.000 đồng/tháng.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu chung (từ 1-10-2005 trở đi không thấp hơn 350.000 đồng/tháng).

Thực tế cho thấy, Chính phủ chỉ đưa ra mức lương tối thiểu được tính trả cho người lao động không qua đào tạo trong điều kiện lao động bình thường. Đối với lao động đã qua đào tạo, doanh nghiệp FDI phải tự xây dựng hệ thống thang, bảng lương riêng. Thực tế, không ít doanh nghiệp FDI đã dùng mức lương tối thiểu để trả cho người lao động đã qua đào tạo. Một số doanh nghiệp khác lại xây dựng mức lương bậc 1 chỉ cao hơn lương tối thiểu 1- 2%.

Việc áp dụng mức lương tối thiểu mới sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp và làm tăng khoảng cách giữa lương tối thiểu khu vực nhà nước với khu vực FDI. Có người lo ngại rằng, nâng lương tối thiểu khu vực FDI trong thời điểm hiện tại sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp thuộc khối da giày, dệt may... có sử dụng nhiều lao động.

Tuy vậy, với cường độ lao động cao và thời gian lao động kéo dài, nhất là vào mùa vụ, người lao động khu vực này cần được trả mức lương hợp lý để có thể đủ sinh hoạt trong mặt bằng giá cả hiện nay.

Được biết, về lâu dài, tới năm 2008 sẽ có một mức lương tối thiểu chung quy định cho các loại hình doanh nghiệp, mà không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp khu vực FDI như hiện nay. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu cụ thể hiện chưa tính được, do phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và một số yếu tố khác như chỉ số giá sinh hoạt...

Một bất cập nữa, lương tối thiểu ở Việt Nam có quá nhiều ràng buộc với hệ thống an sinh. Nếu như ở các nước, lương tối thiểu gắn với yếu tố lạm phát, thường được điều chỉnh kịp thời dựa trên những thay đổi về chỉ số giá sinh hoạt, thì ở Việt Nam, lương tối thiểu còn là cơ sở để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc…ông Jonnathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP đã nói: “Dường như các bạn đang cố gắng đạt được quá nhiều từ một công cụ. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường về mặt ngân sách nhà nước. Chính vì lẽ đó, trong khi nhiều nước có thể điều chỉnh mức lương tối thiểu định kỳ hàng năm cho phù hợp với biến động của thị trường, thì Việt Nam không thể làm được điều này, vì như vậy, là đặt lên vai ngân sách một gánh nặng quá lớn”. Riêng đợt điều chỉnh lương đợt 01-10 -2005, dự kiến ngân sách sẽ phải chi thêm khoảng 7.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia về lương và quản lý Việt Nam, đều cho rằng, mức lương tối thiểu như hiện nay (từ 1-10-2005 là 350.000 đồng/tháng) trên thực tế chưa bảo đảm được mức sống, dù là “tối thiểu” như đúng nghĩa của nó.

Ngay những quan chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, dù đã qua bốn lần cải cách, nhưng đến nay, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài vấn đề mức lương tối thiểu thấp và phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp, thì tiền lương vẫn mang nặng tính bình quân, chưa thực sự gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, chưa trở thành nguồn thu nhập chính của người lao động. Trong khu vực DNNN, có những lao động trình độ thấp nhưng lại được trả lương cao hơn giá thị trường; và ngược lại, có những lao động trình độ cao bị trả lương thấp hơn giá thị trường.

Trước những bức xúc về mức lương tối thiểu còn thấp, có thể nói là thấp nhất so với các nước trong khu vực, với năng lực hạn chế của nền kinh tế, các nhà cải cách tiền lương chỉ có thể nâng dần mức lương tối thiểu cho sát với mức sống thực tế. Bên cạnh đó, một điều cũng phải tính là khi tăng mức lương tối thiểu có thể dẫn đến chỗ các cơ sở sản xuất nhỏ phải đóng cửa, đồng thời sẽ khó khăn hơn cho tạo ra việc làm mới.

ở các nước phát triển, việc thay đổi mức lương tối thiểu không gây ra xáo trộn đáng kể. Nhưng ở Việt Nam, mỗi năm có 1,5 triệu người gia nhập thị trường lao động, thì cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa vấn đề việc làm và lương (nhiều việc làm với mức lương thấp, hay lương cao hơn nhưng thất nghiệp cũng nhiều hơn). 

Được biết, việc tiến đến áp dụng thống nhất mức lương tối thiểu cho các loại hình doanh nghiệp được coi như một mục tiêu cụ thể của cải cách tiền lương, dự kiến hoàn thành vào năm 2008- 2009. Theo đó, sẽ xây dựng mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo ngành thông qua thoả ước lao động; thậm chí sẽ công bố mức lương tối thiểu theo giờ, theo ngày đối với một số ngành cụ thể. Việc cải cách tiền lương sẽ được tiến hành theo hướng giảm dần các yếu tố can thiệp của Nhà nước và tăng cường sự tự chủ của các doanh nghiệp trong việc trả lương. Điều này có nghĩa là công đoàn phải nâng cao vai trò hiệp thương và bản thân người lao động phải tự nâng cao khả năng đàm phán của mình.

Việt Nam nên thực hiện chính sách tăng lương hàng năm. Mức lương được tăng chính bằng mức tăng giá, cộng với mức tăng trưởng thu nhập thực trên đầu người của năm trước đó.

Khi đó, việc tăng lương được coi là chuyện thường xuyên và đương nhiên, không trở thành sự kiện đột biến như hiện nay. Và cụm từ “giá - lương - tiền” một ngày nào đó không còn là một nỗi ám ảnh với những người làm công, ăn lương (mỗi khi tăng lương thì cuộc sống có phần lại kém hơn, do Nhà nước không kìm được “con ngựa bất kham” - lạm phát, và năm nào, chỉ số lạm phát cũng vượt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra).
  • Tags: