Camimex Group (CMX): Nâng công suất chế biến lên 20.000 tấn tôm thành phẩm/năm, kỳ vọng doanh thu đạt 250 triệu USD

Công ty Cổ phần Camimex Group vừa cho biết sẽ nâng tổng công suất chế biến tôm lên mức 20.000 tấn thành phẩm/năm nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng các sản phẩm tôm hữu cơ trên thế giới.

Công ty Cổ phần Camimex Group (mã chứng khoán: CMX - sàn HoSE) vừa cho biết sẽ nâng tổng công suất chế biến tôm lên mức 20.000 tấn thành phẩm/năm nhằm nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường khi người tiêu dùng ngày càng lo ngại về các vấn đề hormone, kháng sinh, các thành phần nhân tạo trong các sản phẩm tôm, và dần ưa chuộng các sản phẩm tôm hữu cơ.

CMX hiện là một trong những nhà sản xuất tôm hữu cơ sớm nhất trên thế giới và là doanh nghiệp sản xuất Việt Nam duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên toàn bộ chuỗi cung ứng (từ con giống đến bàn ăn) với các chứng nhận quốc tế như Naturland, Eu Organic và Bio Suisse. Với việc nâng công suất chế biến, CMX kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 250 triệu USD/năm trong 5 năm tới đây.

CMX hiện đang nghiên cứu dự án sản xuất thuỷ sản công nghệ cao kết hợp với tổng số vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đang phối hợp với Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) để triển khai dự án  nuôi tôm sinh thái hữu cơ theo mô hình tôm - rừng ngập mặn với mục tiêu thuận lợi hơn khi thâm nhập các thị trường quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm, và giảm cạnh tranh.

Trong quý 2 vừa qua, CMX ghi nhận doanh thu thuần đạt 897 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 46 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, CMX đạt tổng doanh thu 1.367 tỷ đồng và 71 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 51% và 129% so với nửa đầu năm 2021.

Trong năm nay, CMX đặt mục tiêu thu về 3.900 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,6 lần so với năm 2021. Như vậy, tính đến hết quý 2, CMX đã hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu và 23,6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm.

Giá cổ phiếu CMX
 Diễn biến giá cổ phiếu CMX từ đầu năm đến nay (Nguồn: FireAnt)

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 18/7, cổ phiếu CMX đạt 15.250 đồng/cổ phiếu.

Đánh giá chung về thị trường xuất khẩu tôm, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành nhận định hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong nửa cuối năm nay do nhu cầu trên thị trường quốc tế chững lại, khó khăn về nguồn nguyên liệu, và tình hình lạm phát tại một số thị trường chính chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong đó, lạm phát tăng cao đang tác động tiêu cực đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng nước ngoài. Tôm được coi là loại protein cao cấp nên sức tiêu thụ có phần chững lại khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, nhập khẩu tôm của thị trường này đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm nên lượng tồn kho còn nhiều. Những thách thức hậu cần như chi phí vận chuyển cao, vận chuyển chậm trễ, và thiếu container kéo dài cũng khiến các đối tác tại thị trường này dè dặt hơn trong việc mua hàng.

Ngoài ra, thị phần của sản phẩm tôm Việt Nam tại Hoa Kỳ còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ tôm giá rẻ của Ấn Độ và Ecuador, cung như tôm không bị áp thuế chống bán phá giá từ Indonesia.

Tại thị trường EU, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam sang đây được nhận định sẽ phải chịu tác động lớn từ việc lạm phát tại EU tăng cao và đồng EUR mất giá so với đồng USD.

Các chuyên gia kỳ vọng hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng mạnh trở lại kể từ tháng 9 khi các đối tác tại Hoa Kỳ và EU chuẩn bị hàng cho cao điểm tiêu thụ dịp cuối năm với các đợt lễ hội lớn. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lạc quan nhận định xuất khẩu tôm cả nước vẫn tăng trưởng ít nhất 10% trong cả năm nay, đạt mục tiêu 4,2 tỷ USD.

Quỳnh Trang