Ấm áp những phiên chợ "1.000 đồng"

Tại các khu, cụm công nghiệp, chế xuất của TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương (KCN Sóng Thần 1, 2, Tân Tạo, Bình Đường, VN-Singapore...) đang xuất hiện ngày càng nhiều những chợ sách lưu động họp theo giờ tan tầm của công nhân cho đến tận khuya. Công nhân, người lao động thường gọi vui những chợ sách kiểu này là "phiên chợ một ngàn đồng", bởi vì chỉ cần có trong túi 1 ngàn đồng trở lên là có thể yên tâm lựa chọn, mua được những cuốn sách, tờ báo, tạp chí... theo ý thích. Những tính toán của họ cũng rất hồn hậu, mộc mạc: uống ly nước, ăn ly chè rẻ nhất cũng 4-5 ngàn đồng. Trong khi chỉ cần góp 1-2 ngàn đồng/người là có quỹ chung đi mua sách, báo về đọc cả tuần chưa hết.

Cũng không ít công nhân tan ca đã ra các chợ sách này chỉ để xem sách, báo miễn phí, đọc sách "cọp", nghĩa là ngồi tại chỗ coi "ké” rồi về cũng chẳng sao. Người bán và người coi đều vui vẻ, bàn luận chuyện thời sự, nội dung sách. Chợ sách báo cũ đối với giới công nhân xa quê còn như là nơi gặp gỡ, giải trí tinh thần...

Đâu chỉ là chuyện kinh doanh

Ông Lê Văn Đạo, một người bán sách, báo cũ ở gần KCN Bình Dương, cho biết: "Bán sách báo cho công nhân phải có cái tâm. Người lao động nghèo không có tiền mua sách báo mới nên phải tìm đến mình để mở mang kiến thức. Nhiều khi cuốn sách 13 - 14 ngàn đồng nhưng công nhân chỉ có 9 - 10 ngàn đồng, tôi vẫn bán luôn".

Cũng như ông Đạo, anh Nguyễn Văn Dũng, quê Nam Định, người chuyên bán sách báo cũ cho công nhân mấy năm nay gần KCN Sóng Thần, nói: "Làm công việc này người bán có lợi, người mua cũng có lợi là đọc được những tờ tạp chí, cuốn sách tuy cũ nhưng hay và bổ ích".

Để bán được sách, anh Dũng phải nghiên cứu nhu cầu và tâm lý của công nhân. Những lúc buồn, công nhân thường thích đọc sách tâm lý, những lúc vui thích đọc truyện ngắn, truyện cười... Biết nhiều gia đình công nhân xa xứ loay hoay với việc chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình, dạy dỗ con cái..., anh Dũng đi lùng các sách cũ chuyên về dạy con, nấu ăn, chăm sóc sức khỏe, con cái... đem về bán. "Mới đây, có một bạn công nhân Thanh Hóa gặp tôi cảm ơn vì đã tự chữa khỏi bệnh mất ngủ theo hướng dẫn từ một cuốn sách cũ mua ở đây. Chỉ vậy nhưng tôi rất vui vì công việc bán sách của mình đã mang lại những kiến thức có ý nghĩa, cần thiết cho những bạn trẻ mưu sinh, xa quê” - anh Dũng cười tươi, kể.


Có lẽ trong câu chuyện này, những người bán sách cho công nhân cũng không ý thức được hành động của họ đã vượt khỏi khuôn khổ lợi nhuận, mưu sinh. Thực tế thì họ cũng là những người kinh doanh nghèo, ít vốn, và đối tượng khách hàng của họ càng không phải giàu có gì. Thế nhưng niềm vui bình dị của những người lao động khi mải mê lục tìm những cuốn sách, tờ báo cũ với hy vọng tìm được nguồn giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc lại hết sức đáng trân trọng. Lâu nay, làm thế nào để giải quyết các vấn nạn phát sinh tại các địa bàn có đông công nhân trên khắp cả nước đã trở thành câu chuyện không chỉ riêng của tổ chức công đoàn. Một trong những giải pháp được đề cập đến thành nhàm mỏi là nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Nhưng các hoạt động để cụ thể hóa ý tưởng đó bằng những việc tưởng chừng đơn giản nhất thì vẫn rất thiếu. Chúng ta biết rằng có một thời ở Hà Nội, chuyện công nhân, người lao động ở công trường, xưởng máy tiếp xúc với văn hóa đỉnh cao của Việt Nam và thế giới không phải điều gì quá xa lạ. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, ở Hà Nội đã có trường dân lập mỹ thuật dành cho công nhân, người lao động nghèo do cố họa sĩ Phạm Viết Song làm hiệu trưởng. Cùng tham gia giảng dạy với họa sĩ Phạm Viết Song còn có nhiều tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam. Và không riêng hội họa, nhiều tụ điểm dạy đàn, dạy thanh nhạc… ở Hà Nội lúc bấy giờ cũng thu hút khá đông người lao động đến học tập sau giờ làm việc. Tất nhiên, rất khó để so sánh những nhu cầu của xã hội hiện đại với cách đây 50 năm, nhưng những ví dụ đó và chợ sách "một ngàn đồng" ở trên có thể gợi mở rất nhiều điều.

Các điểm bán sách báo cũ ở ven các KCN, KCX... có nhiều chiêu khuyến mãi dành cho giới công nhân là "mối quen" như bán sách cũ trả góp hoặc trả theo lương tháng. Trần Thị Thanh Ngọc, công nhân may ở KCX Linh Trung 1, TP. Hồ Chí Minh, cho biết những ngày các cô chưa lĩnh lương, cạn tiền nhưng thích một quyển sách nào quá thì chỉ cần trả trước 1.000 - 2.000 đồng, vài ngày sau có tiền lại trả tiếp.