CII: Sẽ không đạt mục tiêu kinh doanh năm nay, tái cơ cấu nợ vay qua trái phiếu chuyển đổi

Lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII) vừa cho biết sẽ không đạt mục tiêu kinh doanh trong năm nay khi thị trường chung gặp nhiều khó khăn.

Sẽ không đạt mục tiêu kinh doanh trong năm nay

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII - sàn HoSE) vừa tiến hành tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần 2 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết kết quả kinh doanh quý 3/2023 cũng như cả năm 2023 của công ty sẽ không đạt kế hoạch đề ra, chủ yếu do không thể tăng mức phí thu tại các dự án BOT theo kế hoạch và vướng mắc pháp lý tại các dự án bất động sản chưa có phương án giải quyết.

cổ phiếu CII
Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào mảng đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2024 - 2030.

Chia sẻ thêm với cổ đông về thực trạng kinh doanh, Tổng Giám đốc Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Năm 2023, doanh nghiệp nào còn tồn tại là mừng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cơ sở hạ tầng, bất động sản, gần như nhiều doanh nghiệp chỉ nói tới tồn tại, không đề cập tăng trưởng. Trong đó, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh không phải ngoại lệ”.

Về định hướng phát triển trong giai đoạn 2024 - 2030, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên phát triển lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông dựa trên hai cơ sở.

Thứ nhất, Chính phủ hiện đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc giai đoạn 2023 - 2025. Công ty đánh giá đây là động lực lớn thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), các dự án PPP khi kết nối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ tạo thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư, theo ông Lê Quốc Bình.

Thứ hai, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 do Quốc hội ban hành về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh”, cho phép thực hiện đầu tư BOT trên nền đường cũ. Đây được xem là chương trình lớn, cơ chế đột phá giải quyết các nút thắt trong vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng của TP.Hồ Chí Minh. Ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh nhận định Nghị quyết số 98 sẽ giúp giải quyết được bài toán đền bù giải toả vốn là vấn đề khó khăn, phức tạp tại TP.Hồ Chí Minh.

Dự án Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh

Theo đó, cổ đông Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã thông qua việc nghiên cứu phát triển đối với 06 dự án BOT cho giai đoạn 2024 - 2030 do ban lãnh đạo công ty đề xuất. 06 dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 75.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 có quy mô lớn nhất, lên tới 22.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Bình cho biết dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận đã được Chính phủ thay đổi hình thức đầu tư nên Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đang xem xét loại bỏ việc nghiên cứu dự án này.

Lựa chọn cẩn thận các dự án đầu tư mới, kỳ vọng tái cơ cấu nguồn vốn

cổ phiếu CII
Việc nghiên cứu triển khai các dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.

Trước lo ngại của cổ đông về rủi ro khi đầu tư vào các dự án mới với quy mô lớn, ông Lê Quốc Bình cho biết, trong hai năm nay, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã không thực hiện dự án mới mà chỉ tập trung phát triển các dự án cũ. Do đó, nếu không bắt đầu thực hiện dự án mới thì chỉ trong vòng 2 - 3 năm tới, động lực tăng trưởng của công ty sẽ không còn.

Đồng thời, vị lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong 104 dự án BOT được Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi đầu tư hiện nay chỉ có vài dự án có khả năng hoàn vốn, chiếm phần lớn trong đó là các dự án của công ty.

“Điều này cho thấy trong khi nhà nhà làm BOT, công ty chỉ chọn làm số ít dự án có khả năng hoàn vốn cao”, ông Lê Quốc Bình nhấn mạnh.

Trả lời cổ đông về vấn đề tái cơ cấu nguồn vốn từ phụ thuộc vào vốn vay sang vốn chủ sở hữu, bà Nguyễn Quỳnh Hương – Phó Tổng giám đốc Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại tổng tài sản của công ty quanh mức 30.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 20.000 tỷ đến từ vốn vay; chỉ có khoảng 8.000 tỷ đồng là vốn tự có, bao gồm vốn chủ, lợi nhuận chưa chia và vốn góp của cổ đông thiểu số.

Trong 20.000 tỷ đồng mà công ty đang đi vay, công ty sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu để tăng tỷ lệ vốn lên, khi đó, cơ cấu vốn của công ty sẽ chuyển từ nợ vay thành vốn chủ sở hữu.

cổ phiếu CII
Chiến lược tái cơ cấu nguồn vốn tín dụng của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. (Nguồn: Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh)

Xem thêm: "Vì sao gia đình Tổng giám đốc CII muốn bán hết số cổ phiếu CII đang sở hữu?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Các dự án mà công ty đầu tư đã xây dựng xong và thu phí hoàn vốn, lợi nhuận và doanh thu của các dự án rất rõ ràng và khả năng hoàn vốn cũng cao. Do đó, thay vì đi thu phí và trả nợ cho ngân hàng thì công ty có thể chuyển phần vốn đó thành vốn cổ phần bằng cách tăng vốn điều lệ thông qua phát hành trái phiếu cho cổ đông. Vì vậy, tiền thu được từ các dự án sẽ được dùng để trả cổ tức cho cổ đông hoặc trả trái tức cho cổ đông và trái chủ, bà Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Nguyễn Quỳnh Hương, nếu Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh phát hành thành công 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo kế hoạch thì tỷ lệ đòn bẩy tài chính (nợ/vốn chủ sở hữu) sẽ chỉ còn 1,1 lần vào cuối năm 2024, so với mức 2,2 lần như hiện nay.

Tại Đại hội, cổ đông Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng đã thông qua việc cho phép công ty nghiên cứu mở rộng đầu tư sang 02 lĩnh vực mới, gồm: hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 17/10, cổ phiếu CII đạt 16.150 đồng/cổ phiếu, tăng 27% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang