Công ty Điện lực Bình Định tích cực giải quyết các vấn đề phát sinh sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn

Sau gần 2 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán lẻ trực tiếp điện năng đến hộ dùng điện, Công ty Điện lực Bình Định đã

Tuy có những khó khăn trở ngại khách quan, chủ quan trong công tác giao nhận, nhất là việc thống nhất định giá tài sản lưới điện còn lại và thống nhất chủ trương giao hay chưa giao từ các tổ chức quản lý điện nông thôn…nhưng trước mong muốn nhanh chóng được hưởng giá điện bình đẳng và an toàn trong dùng điện của người dân, cộng với sự nỗ lực từ ngành Điện và các tổ chức quản lý, đến nay, sau khi tiếp nhận gần 60 đơn vị trong kế hoạch 132 xã, thị trấn; số lượng khách hàng dùng điện nông thôn toàn tỉnh đã thuộc quản lý của ngành Điện lên đến trên 100.000 khách hàng, nâng tổng số khách hàng dùng điện Công ty Điện lực đang hợp đồng mua bán điện lên trên 200.000 khách hàng. 

Song hành với số lượng khách hàng như vậy, đương nhiên số lượng trạm biến áp 35 kV, 22 kV/0,4 kV; lưới điện hạ áp 0,4 kV sẽ tăng lên đáng kể. Với hiện trạng về quy mô lưới điện này, công tác quản lý, vận hành sẽ khó khăn hơn về yêu cầu giảm sự cố lưới điện. Tỷ lệ điện dùng để truyền tải phân phối sẽ cao hơn một cách đột biến khi chưa kịp cải tạo lưới điện nông thôn vừa tiếp nhận - vốn đã cũ, nát, thậm chí mất an toàn trong một thời gian dài. Các biện pháp quản lý về tổn thất kỹ thuật và tổn thất thương mại sẽ phải được tăng cường, bởi vì tổn thất điện năng luôn tỷ lệ nghịch với hiệu quả sản xuất kinh doanh điện năng. 

Thực trạng cho thấy, trong quý 3/2010, dù sản lượng điện đã được tiết giảm theo tình hình chung của toàn Tổng Công ty, nhưng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh Bình Định đạt gần 300 triệu kWh, tăng 15,8%. Chỉ tiêu điện dùng để truyền tải và phân phối đạt 5,48% trong khi kế hoạch tổn thất điện năng của Công ty Điện lực Bình Định phấn đấu trong toàn quý là 2,5%. Nhiều Điện lực khu vực sau khi tiếp nhận một phần lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn quản lý đã phải đối mặt với chỉ tiêu tổn thất điện năng tăng vọt. Điện lực An Nhơn chỉ tiêu tổn thất điện năng quý 3/2010 đạt 7,86%/4,6%; Điện lực Phù Cát: 4,18%/2,4%, Điện lực Tuy Phước: 8,99%/4%. Riêng Điện lực Tuy Phước chỉ tiến hành kiểm tra trên địa bàn 3 xã Phước Thuận, Phước Thắng và Phước Hòa sau khi tiếp nhận lưới điện, đã phát hiện 13 vụ khách hàng lấy cắp điện. Điều đó giải thích vì sao tổn thất điện năng trong lưới điện hạ áp nông thôn luôn là vấn đề “nóng” hiện nay, kể cả tổn thất thương mại và tổn thất kỹ thuật. 

Nhưng những vấn đề phát sinh sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở Bình Định không chỉ có thế. Bài toán về nhân lực luôn đặt ra những tình huống đau đầu: Khách hàng tăng gấp đôi, địa bàn mở rộng về khu vực nông thôn, miền núi. Khối lượng công tác quản lý kinh doanh và quản lý kỹ thuật lớn hơn, yêu cầu bức thiết hơn, công tác an toàn điện trong nhân dân là trách nhiệm cao... nhưng nguồn nhân lực yêu cầu tuyển dụng cho ngành điện… dường như dẫm chân tại chỗ! Việc tiếp nhận nhân lực từ các tổ chức quản lý điện nông thôn trước đây như xã viên HTX, nhân viên quản lý điện năng nông thôn ở các Công ty TNHH… đều phải đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn sức khỏe, độ tuổi, ngành nghề kỹ thuật được đào tạo… nên hầu như rất khó được chấp nhận. Trong khi đề nghị bức xúc của các tổ chức quản lý điện nông thôn, HTX nông nghiệp kiêm quản lý kinh doanh điện năng là phải được chuyển giao cả nhân sự, lao động cho ngành Điện tiếp tục sử dụng, quản lý. 

Để giải được bài toán “hậu tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn”; một cách suôn sẻ tiến dần đến tối ưu, lãnh đạo và Công đoàn Công ty Điện lực Bình Định đã bàn bạc dân chủ, công khai những ưu thế, những hạn chế khó khăn hiện nay, đồng thời xin ý kiến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn Công ty, đi đến thống nhất các biện pháp giải quyết tình thế như sau: 

Một là: Tiến hành đồng bộ, chặt chẽ và khẩn trương công tác quản lý kinh doanh, quản lý kỹ thuật, kỹ thuật an toàn sau tiếp nhận: Trong tiến trình tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại trên địa bàn có chọn lựa thứ tự ưu tiên để tiếp nhận đến đâu củng cố ngay công tác quản lý kinh doanh, kỹ thuật, an toàn đến đó. Tăng cường kiểm tra áp giá điện đúng quy định và tập trung thu các khoản tồn nợ tiền điện từ khách hàng đã tiếp nhận. Đi đôi với hoàn thiện 100% hồ sơ Hợp đồng mua bán điện với khách hàng là tiến hành công tác sửa chữa lớn trên cơ sở xác định chính xác giá trị còn lại của lưới điện tiếp nhận.
Về kế hoạch thay thế công tơ hơn 80.000 công tơ cũ hiện tồn tại trên lưới điện, các điện lực khu vực được giao kế hoạch cụ thể về tiến độ, trong đó, Điện lực Phú Tài, Điện lực Phù Mỹ hoàn thành trước 31/12/2010; Điện lực An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Phú Phong phải hoàn thành trước 30/6/2011. Riêng đối với Điện lực Bồng Sơn khối lượng lớn nhất – trải rộng trên địa bàn 3 huyện Hoài Nhơn, An Lão và Hoài Ân, thì được giao hoàn thành trước 30/9/2011. 

Hai là: Giải quyết công tác nhân lực trên cơ sở khối lượng công tác, “lấy việc đặt người”. Ưu tiên cho công tác thay thế công tơ cho khách hàng, xác định đây là trách nhiệm của đơn vị quản lý, do đó, sử dụng lực lượng lao động biên chế của Điện lực kết hợp với lực lượng lao động của các tổ chức Dịch vụ bán lẻ điện năng đã được tuyển chọn theo Phương án 2 - Tổng Công ty Điện lực Miền Trung hướng dẫn. Có kế hoach đào tạo công tác an toàn cho tất cả lao động đã ký hợp đồng dịch vụ và cấp thẻ an toàn theo đúng quy định. Đối với các khu vực lưới điện tương đối hoàn thiện có thể thuê nhà thầu xây lắp thực hiện thay thế công tơ. 

Ba là: Triển khai ngay công tác củng cố lưới điện hạ áp nông thôn trước hiện trạng cũ, nát, mất an toàn hiện nay theo nội dung văn bản số 1244/BĐPC ngày 20/9/2010 của Công ty Điện lực Bình Định. Trong đó, kiểm tra khẩn trương hành lang an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, thống kê và lên kế hoạch khắc phục, cải tạo lưới điện ở các điểm xung yếu, nhạy cảm. Phân chia linh hoạt giữa đầu tư hạn chế và sửa chữa lớn. Tuyệt đối bảo đảm an toàn cho CBCNV quản lý vận hành và khách hàng sử dụng điện ở các khu vực vừa tiếp nhận và toàn tỉnh. Đồng thời, lập chương trình giảm tổn thất điện năng cho từng khu vực lưới 0,2-0,4kV của từng trạm biến áp phụ tải. 

Năm 2010, Bình Định phấn đấu đạt sản lượng điện thương phẩm tăng 14,5% , cụ thể là 1,01 tỷ kWh - một cột mốc khẳng định mức độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong vùng trọng điểm xây dựng kinh tế miền Trung. Công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đang được triển khai một cách khẩn trương, đồng bộ và đúng các quy định nhằm bảo đảm cân đối khả năng cấp điện, sử dụng điện cho sản xuất và đời sống trên địa bàn toàn tỉnh ổn định, tăng trưởng và hiệu quả. 

Bài toán giải quyết các vấn đề phát sinh sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở Bình Định đã được đề xuất. Đáp số đang còn chờ phía trước với sự nỗ lực lớn từ CBCNV cộng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa của các ngành, các cấp và cần cả sự cảm thông, phối hợp, giúp đỡ của người dùng điện.

  • Tags: