Cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo, An Phát Holdings nói gì?

An Phát Holdings (mã cổ phiếu APH) hiện tự tin khẳng định sẽ từng bước giảm dần các khoản lỗ lũy kế và đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.

 

An Phát Holdings
An Phát Holdings cho biết sẽ từng bước giảm dần khoản lỗ luỹ kế.

Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) đã quyết định đưa cổ phiếu APH của Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings vào diện cảnh báo từ ngày 10/04 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán là âm 171 tỷ đồng.

Trao đổi về vấn đề trên, đại diện An Phát Holdings cho biết, tại ngày 1/1/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hợp nhất của công ty là 73,4 tỷ đồng. Trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 219 tỷ đồng, tăng 282% so với năm 2022.

“Như vậy, có thể thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2023 vẫn có hiệu quả và tăng trưởng mạnh mẽ”, đại diện An Phát Holdings nói.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, hai công ty con là Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã cổ phiếu AAA) và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát (APC) đã nhận chuyển nhượng 18.3 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 (APC1), tương đương tỷ lệ 49%, với tổng giá phí 603 tỷ đồng.

Theo đó, tỷ lệ lợi ích của An Phát Holdings tại APC1 tăng từ 23,8% lên 47,51% sau giao dịch. Khoản chênh lệch 218,6 tỷ đồng giữa giá phí chuyển nhượng và phần sở hữu tăng thêm trong tài sản thuần của APC1 được ghi nhận, làm giảm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo tài chính hợp nhất.

Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phối phối đến ngày 31/12/2023 bị âm, theo An Phát Holdings.

Về lộ trình khắc phục việc cổ phiếu APH rơi vào diện cảnh báo, An Phát Holdings cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh cốt lõi là mảng sản xuất và kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, kết hợp thực hiện các biện pháp tối ưu hóa chí phí cũng như bám sát, nghiên cứu thị trường để tìm kiếm cơ hội và cải thiện hiệu quả mảng thương mại hạt nhựa.

Giá cổ phiếu APH An Phát Holdings
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu APH của An Phát Holdings từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Nhựa Tiền Phong (NTP): Hé lộ loạt sản phẩm nhựa mới, muốn mở cơ sở giáo dục liên cấp" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngoài ra, An Phát Holdings sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và triển khai đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm và nguyên liệu nhựa sinh học, thân thiện với môi trường, khuyến khích và triển khai quyết liệt các sáng kiến cải tiến sản xuất trong nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm và có tính thực tiễn cao.

An Phát Holdings đánh giá, với tình hình kinh doanh hiện nay và định hướng của Công ty trong thời gian tới, đặc biệt sau khi tỷ lệ lợi ích tại APC1 tăng lên thì lợi nhuận đóng góp từ mảng bất động sản khu công nghiệp trên Báo cáo tài chính sẽ càng cao do APC1 được ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động cho thuê, chuyển nhượng bất động sản khu công nghiệp.

Từ đó, An Phát Holdings khẳng định “sẽ từng bước giảm dần các khoản lỗ lũy kế nêu trên”.

Trong năm nay, công ty này đặt mục tiêu doanh thu thuần và lãi sau thuế năm nay lần lượt đạt 14,000 tỷ đồng và 360 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lợi nhuận 64% so với thực hiện năm 2023, qua đó dự kiến bù đắp được khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị âm vào năm 2025.

Duy Quang