Cổ phiếu VFS của VinFast mất hơn 64% sau 1 tuần giao dịch
Cổ phiếu VFS của Vinfast Auto trên sàn Nasdaq (Mỹ) tiếp tục chịu áp lực giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9/2023. Cụ thể, ngay khi phiên giao dịch trước giờ mở cửa thị trường chính thức (pre-market), cổ phiếu VFS đã chìm trong “sắc đỏ”, giảm xuống chỉ còn 28,34 USD/cổ phiếu vào lúc 8h30 (giờ địa phương) – tương đương giảm hơn 18% so với mức giá đóng cửa của ngày 31/8.
Tại vùng giá thấp này, xuất hiện lực cầu bắt đáy với hơn 1 triệu cổ phiếu VFS được trao tay giúp đẩy giá cổ phiếu xe điện này lên. Qua đó, giá mở cửa của cổ phiếu VFS khi bước vào phiên giao dịch chính thức lúc 9h30 được ấn định ở mức 32,52 USD/cổ phiếu – tương đương chỉ giảm hơn 6% so với mức giá đóng cửa của ngày giao dịch liền trước.
Tuy nhiên, áp lực bán tiếp tục đè nặng trong suốt thời gian giao dịch còn lại, khiến giá cổ phiếu VFS dần lùi sâu, có lúc chỉ còn 26,3 USD/cổ phiếu. Đóng cửa thị trường ngày 1/9, cổ phiếu VFS của VinFast Auto đạt 29,5 USD/cổ phiếu - giảm 15,02% so với ngày 31/8 với thanh khoản đạt 7,34 triệu đơn vị. Qua đó, xác lập ngày giảm mạnh thứ 4 liên tiếp.
Trong phiên giao dịch sau giờ đóng cửa thị trường chính thức (after-hours trading), cổ phiếu VFS tiếp tục giảm thêm hơn 4%.
Như vậy, kết thúc tuần giao dịch thứ ba trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS đã giảm hơn 64%. Thậm chí, so với mức đỉnh giá 93 USD/cổ phiếu được xác lập trong ngày 28/8 thì thị giá hiện tại của cổ phiếu VinFast Auto đã mất gần 70%.
Với mức thị giá hiện tại, tổng giá trị vốn hoá thị trường của hãng xe điện VinFast Auto hiện chỉ còn gần 68,5 tỷ USD, “bốc hơi” hơn 122 tỷ USD sau 1 tuần giao dịch. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng giá trị vốn hoá thị trường của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, VinFast Auto hiện vẫn xếp vị trí thứ 6, trên nhiều hãng xe ô tô nổi tiếng khác như BMW, Volkswagen, Ferrari, Honda…
Xem thông tin mới nhất về cổ phiếu VFS của VinFast trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trường hợp cổ phiếu VFS khác biệt với cổ phiếu HKD như nào?
Cổ phiếu VFS chính thức được niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 15/8 thông qua việc hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co. - một công ty SPAC (hay còn được gọi là công ty rỗng). Tính đến đầu tuần này, giá cổ phiếu VFS đã tăng 688% so với mức giá đóng cửa của ngày giao dịch đầu tiên, gây ấn tượng mạnh đối với thị trường tài chính quốc tế.
Hãng tin Bloomberg từng nhận định thương vụ niêm yết của VinFast Auto là thương vụ niêm yết hậu SPAC tốt nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, nhiều công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ thông qua phương thức SPAC đã ghi nhận đà giảm giá cổ phiếu chỉ vài ngày sau khi sự quan tâm của công chúng lắng xuống với mức giảm trung bình đạt 45%, và 15 công ty trong số này đã mất hơn 80% giá trị vốn hoá thị trường.
Cổ phiếu VFS cũng liên tục nằm trong top cổ phiếu gợi ý của trang giao dịch Stocktwits, cho thấy mức độ quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với cổ phiếu hãng xe điện VinFast Auto.
Nhưng với việc giá cổ phiếu VFS giảm mạnh liên tục thời gian gần đây, một số chuyên gia phân tích tài chính quốc tế đã cảnh báo giới đầu cơ và các nhà đầu tư về bài học cổ phiếu HKD của hãng dịch vụ tài chính AMTD Digital Inc. sụp đổ, mất hơn 99% sau khi tăng “không tưởng” 32.000% chỉ trong vài tuần kể từ thời điểm niêm yết trên sàn NYSE (Mỹ) hồi tháng 7/2022.
Đã có lúc, giá trị vốn hoá của AMTD Digital Inc. vượt các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới như JPMorgan Chase & Co. hay Golman Sachs. Cổ phiếu HKD sau đó được giới đầu tư liệt vào danh sách “meme stock” - cụm từ ám chỉ các cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội, không liên quan gì tới hoạt động kinh doanh.
Cổ phiếu của hãng AMTD Digital Inc. và của VinFast Auto đều có nhiều điểm chung là: 1) lượng cổ phiếu tự do giao dịch (free-float) ở mức rất thấp, 2) thị giá cổ phiếu được đẩy lên quá cao trong khoảng thời gian ngắn trong khi tình hình kinh doanh của công ty kém tích cực hoặc thua lỗ.
Trong tổng số 191,4 triệu cổ phiếu HKD được lưu hành thì chỉ có 25,6 triệu cổ phiếu free-float. Theo hãng tin Reuters, đối với VinFast Auto thì lượng free-float là khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trong tông số hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS được lưu hành.
Thông thường, các cổ phiếu có tỷ lệ free float nhỏ sẽ có chênh lệch giá mua - bán rộng, dễ xảy ra các biến động. Ngược lại, các cổ phiếu có tỷ lệ free float lớn thường có biến động giá ít hơn do các nhà đầu tư tự do chuyển nhượng lớn, tính thanh khoản cao. Theo đánh giá, một nhà đầu tư chỉ cần mua hoặc bán từ 50.000 – 100.000 cổ phiếu VFS là đã đủ để cổ phiếu này biến động mạnh.
Một số chuyên gia cảnh báo, việc cổ phiếu VFS tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua không hoàn toàn đến từ kỳ vọng hay kết quả kinh doanh của VinFast Auto mà đến từ tâm lý “mua đuổi” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người vốn ưa thích cổ phiếu các hãng xe điện như trường hợp đã từng xảy ra với cổ phiếu của hãng xe điện Tesla. Đồng thời, giới đầu cơ, đặc biệt là phe bán khống (short seller) cũng xuất hiện trong sự biến động của cổ phiếu VFS.
Do đó, khi động lực “mua đuổi” và giới đầu cơ "chốt lời" thì mức thị giá cao của cổ phiếu VFS có thể sẽ sụp đổ. Khối lượng giao dịch trung bình ngày của cổ phiếu VFS thường xuyên cao hơn từ 2 – 3 lần khối lượng free-float cũng cho thấy các nhà giao dịch đang “quay vòng” cổ phiếu này rất nhanh.
Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế cũng chỉ ra sự khác biết rất rõ giữa trường hợp của VinFast Auto và AMTD Digital Inc. về hoạt động kinh doanh cốt lõi. AMTD Digital Inc. là một hãng dịch vụ tài chính ít tên tuổi, xa lạ với ngay cả tại nơi thành lập - Hồng Kông (Trung Quốc). Trong khi đó, VinFast Auto nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup - tập đoàn đa ngành hàng đầu ở Việt Nam. Tập đoàn Vingroup cũng đã cam kết cung cấp một nguồn tài chính lớn để VinFast phát triển trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, VinFast Auto đang có những kế hoạch kinh doanh rõ ràng về việc sản xuất và phân phối xe điện trên toàn cầu, bao gồm việc vừa tiến hành khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tại tiểu bang North Carolina (Mỹ) với vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD cho giai đoạn 1 và xây dựng nhà máy sản xuất pin trị giá 275 triệu USD tại Việt Nam. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào vận hành trong năm 2025.