Cơ quan nào chủ trì soạn thảo Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam?

Một điểm nhấn quan trọng trong giai đoạn này là, thực hiện đường lối Đổi mới, “Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, được Quốc hội thông qua ngày 29/12/1987.
đầu tư nước ngoài
Ảnh từ phải sang: Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân John Shalikashvili, Bộ trưởng Quốc phòng Leslie Aspin, Jr tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 03/02/1994 về việc công bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm của Mỹ đối với Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Hoạt động ngoại thương khởi sắc

Những năm đầu đổi mới, hoạt động ngoại thương cả chúng ta khởi sắc. Trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế, công nghệ nước ta còn thấp, xuất khẩu tăng trưởng mạnh góp phần quan trọng duy trì nhập khẩu ở mức cao, giúp Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến, giải quyết được sự thiếu hụt về nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị máy móc, góp phần tăng trưởng xuất khẩu liên tục trong những giai đoạn sau, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động ngoại thương cũng còn một số hạn chế:

- Chất lượng tăng trưởng xuất khẩu chưa cao, giá trị gia tăng còn thấp. Trong cơ cấu xuất khẩu, tỷ lệ hàng thô, sơ chế, gia công vẫn còn cao; nhiều mặt hàng gắn với sử dụng lao động nhiều và công nghệ giản đơn. Trong các mặt hàng chế biến, chưa có nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng lớn.

- Sức cạnh tranh một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chưa cao, chủ yếu tận dụng lợi thế lao động, tài nguyên và giá, hàm lượng tri thức và công nghệ trong sản phẩm còn thấp.

- Nhập khẩu tuy góp phần đổi mới công nghệ nhưng chưa nhiều, do phải dành phần lớn ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu. Điển hình trong 2 năm 1994 - 1995, trị giá nhập khẩu hàng nguyên, nhiên vật liệu 3,06 tỷ USD/5,82 tỷ USD tổng kim ngạch nhập khẩu và 4,71 tỷ USD/8,15 tỷ USD tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm tỷ trọng lần lượt 52,5% và 57,7%. Nếu so sánh trong cả giai đoạn từ 1985 - 1995, ta sẽ thấy tình trạng này chưa có nhiều biến chuyển khác biệt.

Xây dựng Luật đầu tư nước ngoài

Một điểm nhấn quan trọng trong giai đoạn này là, thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương) đã chủ trì soạn thảo “Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, được Quốc hội thông qua ngày 29/12/1987. Ở thời điểm soạn thảo, Luật Đầu tư nước ngoài chịu áp lực rất lớn, khi mà về thực tiễn thì nhà nước chưa có kinh nghiệm gì, trong khi tư tưởng và lý luận về vai trò của các thành phần kinh tế thì còn nhiều tranh luận.

Dự thảo Luật Đầu tư nước ngoài đã xác định những mục tiêu chính là giành được càng sớm càng tốt những cái ta đang thiếu và rất cần là vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và chỗ đứng trong phân công lao động quốc tế; và để đổi lại, Luật Đầu tư nước ngoài bảo đảm cho người đầu tư nước ngoài được an toàn tối đa về tài sản, được quản lý kinh doanh có hiệu quả, được lợi nhuận khá hơn hoặc ít nhất là tương đương với lợi nhuận đầu tư ở những nước trong khu vực. Điểm đột phá có tính lịch sử là Luật đầu tư nước ngoài cho phép thành lập “Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài” (Điều 4, Khoản 3). Các nhà đầu tư nước ngoài cho đây cũng là nội dung hấp dẫn nhất bởi lúc đó các nền kinh tế mở hơn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%.

Điểm quan tâm thứ hai của nhà đầu tư nước ngoài là bảo đảm tài sản đầu tư, đã được Luật giải quyết thỏa đáng, bằng Điều 21: “Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, vốn và tài sản của các tổ chức, cá nhân nước ngoài không bị trưng dụng hoặc tịch thu bằng biện pháp hành chính, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá”. Các nhà bình luận quốc tế lúc đó cho rằng, với “Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, Việt Nam mở cửa bằng chuẩn mực quốc tế, theo thông lệ quốc tế. Luật được coi là bước ngoặt lớn về tư tưởng kinh tế, bởi nó tạo ra nền tảng pháp lý cho việc hợp tác với nước ngoài (ngoài khối xã hội nghĩa) - một vấn đề còn quá mới mẻ với Việt Nam ở thời điểm những năm đầu Đổi mới.

Đào Mạnh Đức