Công tác AT-VSLĐ đáp ứng hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại - TBT

Từ ngày 12 tháng 01 năm 2007, Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (World Trade Organization) và đã bắt đầu được hưởng đầy đủ quyền lợi cũng như thực hiện các nghĩa

 

 Ngày 29/06/2006 Quốc hội đã thông qua Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Luật này đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại - TBT (Technical Barriers to Trade), tạo ra khung pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định TBT tại Việt Nam.

 Trên cơ sở thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật cũng như các quy trình đánh giá sự phù hợp sẽ được xây dựng đảm bảo tính minh bạch, công khai như yêu cầu của Hiệp định TBT. Thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, hiện nay Việt Nam có  hơn 5000 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó có gần 300 tiêu chuẩn an toàn lao động. Các tiêu chuẩn này đã và đang được rà soát nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng và sản xuất kinh doanh, đồng thời hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.

 Để đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế, từ năm 2005, Chính phủ đã chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định TBT, như việc ban hành Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 26/05/2005 phê duyệt “Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại” nhằm để Việt Nam thực hiện một cách đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của Hiệp định TBT, bảo đảm hệ thống văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình... đáp ứng các nguyên tắc của Hiệp định TBT. Các Bộ cũng đã và đang thực hiện các nhiệm vụ: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn; tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp, thành lập các cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp; tuyên truyền phổ biến Hiệp định TBT.

 Ngày 26/05/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 114/2005/QĐ- TTg về việc thành lập và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Theo Quyết định này, mạng lưới TBT Việt Nam gồm có: Văn phòng TBT Việt Nam được thành lập thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ, là đầu mối quốc gia về TBT. Cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp cấp Bộ về TBT đặt tại các Bộ: Thương mại, Công nghiệp, (nay là Bộ Công Thương), Giao Thông-Vận tải, Thông tin và Truyền Thông, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế và tại 64 Sở Khoa học và Công nghệ trong cả nước. Ban liên ngành về TBT cũng đã được thành lập nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện Hiệp định TBT ở Việt Nam.

 Thực hiện Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có quyết định giao nhiệm vụ thông báo và trả lời hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc chức năng của Bộ cho Cục An toàn Lao động. Với nhiệm vụ đó, Cục An toàn Lao động đã xây dựng kế hoạch tổng thể về các hoạt động an toàn lao động đáp ứng thực Hiệp định TBT giai đoạn 2006 – 2010, bao gồm các hoạt động sau:

 + Rà soát toàn bộ hệ thống văn bản pháp quy về an toàn lao động, các quy chuẩn... về an toàn lao động để xác định những văn bản cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thật và Hiệp định TBT;

 + Xây dựng các văn bản pháp quy kỹ thuật về an toàn lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế;

 + Xây dựng các hoạt động thông báo và hỏi đáp như: thiết lập cơ sở dữ liệu; tăng cường hoạt động của website về TBT của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; xây dựng quy chế, đề án về cơ sở vật chất, về nguồn lực phục vụ cho các hoạt động xây dựng các văn bản pháp quy kỹ thuật về an toàn lao động, về kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa;

 + Triển khai việc đánh giá các tổ chức kiểm định, kiểm tra chất lượng hàng hóa nhằm củng cố và kiện toàn các tổ chức kiểm định và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; Quy hoạch hệ thống các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về dịch vụ kiểm định an toàn của doanh nghiệp; đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng hàng hóa trước khi đưa vào sử dụng và nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, nhằm hỗ trợ thương mại và bảo vệ an toàn, sức khỏe người lao động;

 + Triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Hiệp định TBT, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản pháp quy kỹ thuật về an toàn lao động và kiểm tra chất lượng các sản phẩm, hàng hóa có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

 Qua hai năm triển khai hoạt động Hiệp định TBT và hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát hàng trăm văn bản pháp quy kỹ thuật về an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) từ đó xác định những vấn đề có liên quan đến việc thực thi Hiệp định TBT để đưa ra phương hướng sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, với Hiệp định TBT và yêu cầu hội nhập; ban hành quy chế tạm thời về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động, phương tiện bảo vê cá nhân; thành lập điểm thông báo và hỏi đáp về TBT của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; xây dựng Website về TBT (Địa chỉ: ldtbxh.tbtvn.org); xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về các văn bản pháp quy kỹ thuật thuộc lĩnh vực AT-VSLĐ; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về Hiệp định TBT, về Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cho các thanh tra viên lao động, các cán bộ quản lý kỹ thuật an toàn lao động ở các bộ, ngành, doanh nghiệp.

 Để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi của Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định TBT, trong thời gian tới, công tác AT-VSLĐ cần phải thực hiện một số nội dung sau:

 - Tiến hành rà soát về nội dung các văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn Nhà nước về an toàn lao động và các quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn, quy trình  kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá đặc thù và chuyển đổi thành những quy chuẩn an toàn lao động như các quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

 - Tổ chức phổ biến, tuyên truyền về Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các quy định kỹ thuật về an toàn lao động và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các cán bộ quản lý an toàn lao động các ở các bộ, ngành địa phương, thanh tra viên lao động và cán bộ quản lý kỹ thuật của các doanh nghiệp;

 - Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thông báo dự thảo các văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn lao động đến Văn phòng TBT Việt Nam phục vụ thông báo của Việt Nam đến Ban thư ký của WTO; tiến hành nghiên cứu các thông báo của các thành viên WTO về các văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến an toàn lao động để bảo vệ lợi ích của Việt Nam và thông báo và trả lời nhanh đến các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức liên quan về những quy định của các thành viên có ảnh đến thương mại; tham gia nghiên cứu để xây dựng những biện pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát và ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá không đủ chất lượng, an toàn nhập khẩu vào Việt Nam.

 Theo quy định của Hiệp định TBT, các nước thành viên WTO khi dự thảo các quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế hoặc chưa có các tiêu chuẩn quốc tế đó, và các dự thảo quy định kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến thương mại của các thành viên thì các dự thảo phải được thông báo cho các thành viên khác thông qua Ban thư ký WTO. Dự thảo đó cũng phải được công bố trên một ấn phẩm trước khi ban hành 60 ngày và khi được các nước thành viên yêu cầu là phải cung cấp các dự thảo quy định kỹ thuật đó cùng với những nội dung làm rõ về sự khác biệt với tiêu chuẩn quốc tế hoặc phải giải thích lý do chính đáng khi đưa ra những quy định đó.

 Việt  Nam là quốc gia mới tham gia vào WTO, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ và vận dụng tốt những nguyên tắc của Hiệp định TBT trong quá trình xây dựng hệ thống luật pháp, sẽ giảm bớt được những rào cản thương mại, tránh được những tranh chấp thương mại, đồng thời chúng ta cũng có thể xây dựng được những quy định kỹ thuật về an toàn lao động, từ đó giảm thiểu được tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tốt  sức khoẻ người lao động và cộng đồng dân cư.


  • Tags: