Nhiều tiềm năng hứa hẹn cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Sau năm 2022 đầy biến động với thị trường chứng khoán, hầu hết các nhà đầu tư đều e ngại cổ phiếu các công ty chứng khoán. Do đó, định giá của ngành này đã bị áp lực đáng kể từ đầu năm 2023. Dữ liệu của VNDIRECT Research cho thấy định giá của ngành này hiện chỉ đang ở mức P/B 1,6 lần, thấp hơn so với mức trung bình trong 3 năm gần đây.
Trong khi đó, theo VNDIRECT Research, Việt Nam được xem là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất cho lĩnh vực dịch tài chính. Cụ thể, tỷ lệ nhà đầu tư chứng khoán trên dân số ở Việt Nam hiện đang ở mức thấp nhất trong khu vực. Tính đến cuối quý 2/2023, tỷ lệ số nhà đầu tư trên dân số ở Việt Nam chỉ đạt 7%, thấp hơn nhiều so với mức 7,5% của Thái Lan (đã lọc bỏ các nhà đầu tư không hoạt động) và 12,5% của Malaysia.
Trong khi đó, mức tăng trưởng thu nhập khả dụng của Việt Nam lại ở mức nhanh nhất trong khu vực, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tăng lương và mức độ đô thị hóa ngày càng cao. Tỷ lệ thu nhập khả dụng của hộ gia đình Việt Nam đã liên tục tăng từ 31,5% vào cuối năm 2010 lên 58% vào cuối năm 2022. Khi người dân có nhiều thu nhập khả dụng hơn, họ có nhiều khả năng đầu tư vào các sản phẩm tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tài chính.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đang hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực chứng khoán, như triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phát triển, với ngày ra mắt dự kiến là trong vài tháng tới.
Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn, giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 hiện nay, và giải quyết các vấn đề cần thiết để được nâng cấp lên thị trường mới nổi. Ngoài ra, vốn hóa thị trường của Việt Nam/GDP chỉ đạt khoảng 60% vào cuối quý 2/2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 120% vào cuối năm 2025 của Chính phủ, và mức hiện tại tương ứng của Thái Lan và Malaysia - 103% và 84%.
Công ty chứng khoán nào sẽ hưởng lợi lớn nhất khi thị trường đi lên?
Về triển vọng thị trường thời gian tới, VNDIRECT Research nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 nhờ hỗ trợ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng. Do đó, các công ty chứng khoán sẽ có kết quả hoạt động tốt hơn trong nửa cuối năm nay.
Kể từ giữa tháng 3/2023, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần. Với mặt bằng lãi suất thấp hơn, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như chứng khoán khi chi phí cơ hội giảm. Điều này cũng cải thiện nhu cầu cho dịch vụ môi giới, thúc đẩy giá trị giao dịch, từ đó tăng doanh thu phí giao dịch cho các công ty chứng khoán.
Trong khi đó, với chi phí vốn thấp hơn, công ty sẽ có nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay margin, giúp đẩy mạnh hoạt động giao dịch chứng khoán, cũng như hoạt động giao dịch và gia tăng doanh thu cho các công ty môi giới.
Mặc dù có lo ngại về tỷ giá Việt Nam Đồng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, VNDIRECT Research cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể duy trì mức lãi suất chính sách thấp hiện tại cho đến cuối năm tài chính 2023 do: (1) Nhờ tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức tốt, lãi suất thực ở Việt Nam vẫn cao hơn của Mỹ; (2) Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD; và (3) xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong quý 4/2023.
VNDIRECT Research dự báo các yếu tố thuận lợi trên sẽ giúp giá trị giao dịch bình quân hàng ngày của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 đạt 20-25.000 tỷ đồng, tương đương mức 6 tháng cuối năm 2021.
Giá trị giao dịch trung bình trong quý 2/2023 tại ba sàn chứng khoán đã tăng tới 48,4% so với quý trước lên 16.500 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước, khi giá trị giao dịch hàng ngày của họ chiếm 85% tổng giá trị trong quý 2/2023, so với mức 80% trong quý 1/2023.
Điểm đáng chú ý khác là sự đảo chiều trong tốc độ tăng trưởng tài khoản chứng khoán mở mới. Sau khi chạm đỉnh vào tháng 5/2022, số lượng tài khoản chứng khoản mở mới đã giảm đáng kể khi khách hàng chuyển sang kênh đầu tư tiền gửi kỳ hạn để hưởng lợi trong bối cảnh lãi suất cao. Tuy nhiên, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã tăng lên xấp xỉ 105.000 tài khoản trong tháng 5/2023 (tăng 360% so với quý 1/2023). Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 6 và tháng 7/2023 tiếp tục đà tăng trưởng lên 150.619 tài khoản.
Các công ty chứng khoán có lượng khách hàng cá nhân lớn như Công ty Chứng khoán SSI (mã cổ phiếu SSI – sàn HoSE), Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (mã cổ phiếu MBS – sàn HNX)… với lợi thế cạnh tranh là tệp khách hàng cá nhân lớn có thể tận dụng tốt cơ hội này.
Theo VNDIRECT Research, tính đến cuối quý 2/2023, tổng lượng tiền nhận rỗi của các nhà đầu tư (bao gồm 30 công ty chứng khoán lớn nhất về tổng tài sản) đạt khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 36% so với mức đỉnh cuối quý 1/2022, nhưng tăng nhẹ 3,2% so với quý 1/2023.
Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay ký quỹ của ngành chứng khoán được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của thị trường chứng khoán và tỷ lệ ký quỹ thấp hơn. Tính đến cuối quý 2/2023, tổng dư nợ ký quỹ/vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,77 lần, dư địa tăng trưởng cho vay ký quỹ vẫn còn rất lớn vì ngưỡng quy định là 2,0 lần.
Do đó, theo VNDIRECT Research những công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay ký quỹ thấp/vốn chủ sơ hữu, margin spread cao, cùng với chiến lược không tập trung mở rộng danh mục đầu tư có thể mở rộng thu nhập từ cho vay ký quỹ, bao gồm: Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã cổ phiếu SHS - sàn HNX), Công ty Cổ phần Chứng khoán AGRIBANK (mã cổ phiếu AGR - sàn HoSE), Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã cổ phiếu BSI - sàn HoSE),…