Đây là chương trình nằm trong đề án triển khai Nghị định 99/2010/NĐ-CP của chính phủ với mục đích thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thực tế cuộc sống, đáp ứng các nhu cầu của người lao động lâm nghiệp trên địa bàn rừng núi; Triển khai mạnh mẽ và triệt để công tác giao đất, giao và khoán quyền sử dụng rừng ổn định lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn; tạo điều kiện để quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng và tài nguyên đất lâm nghiệp hiệu quả hơn; Góp phần bảo đảm điều hòa, cân bằng môi trường sống; bảo tồn đa dạng sinh học; ngăn chặn, hạn chế tác hại của thiên tai (lũ lụt, hạn hán, xói lở đất, sa mạc hóa đất đai; hấp thụ và lưu giữ các bon, làm sạch môi trường không khí; giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; ngăn chặn sự biến đổi khí hậu trái đất…).
Tại buổi làm việc, về phía AVC đã nêu rõ nhận thức sâu sắc và tán thành chủ trương của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ sẽ là tiền đề cho việc phát triển bền vững, ổn định của các dự án Thủy điện; tích cực tham gia trong việc triển khai thí điểm chính sách chi trả dịch vụ này của mình. Tuy nhiên, AVC cũng nêu ra một số vướng mắc, khó khăn chung đối với tất cả các nhà máy thủy điện đã xây dựng, các chi phí dịnh vụ môi trường không được tính khi lập dự án; bên cạnh đó căn cứ để tính thuế tài nguyên nước thì giá điện bình quân do Bộ Công Thương công bố hằng năm luôn luôn cao hơn giá bán điện tại các nhà máy thủy điện, nay AVC lại phải chịu thêm chi phí dịch vụ môi trường rừng. Đây thực sự là một gánh nặng tài chính đối với AVC.
Nghị định 99/2010/NĐ-CP của chính phủ được triển khai vì mục đích xây dựng một môi trường phát triển bền vững về kinh tế, xã hội cho Đất nước. Thông qua buổi làm việc này, các ý kiến, quan điểm của các bên đưa ra đều vì mục tiêu góp phần triển khai Nghị định này một cách hiệu quả nhất.