Công ty Điện lực Thanh Hóa: Nâng cao giải pháp tiết kiệm điện

Do tình hình khô cạn năm 2010 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tích nước của các hồ thủy điện. Tổng lượng nước thiếu hụt khoảng 13 tỷ m3, tương đương với sản lượng điện thiếu khoảng 3 tỷ kWh. Ngoài
Bài học từ năm 2010...
Thanh Hóa là tỉnh rộng lớn nằm ở khu vực bắc Trung bộ, địa hình đa dạng với 27 huyện thị và thành phố với 635 xã và thị trấn, dân số 3,643 triệu người. Hết năm 2010, điện lưới quốc gia được đưa về 584/585 xã, đạt 97,48%. Số hộ đã có điện lưới quốc gia là 855.006/877.071 hộ (đạt 97,48%). Riêng số hộ nông thôn và miền núi có điện là 763.271/785.265 hộ (đạt 97,2%).

Những năm qua, Công ty Điện lực Thanh Hóa là 1 trong 3 công ty có sản lượng điện thương phẩm hàng năm lớn nhất Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thực hiện các biện pháp điều hành sản xuất linh hoạt và kịp thời, tập trung nâng cao chất lượng quản lý vận hành tối ưu hệ thống điện, tăng cường các biện pháp đồng bộ như:

- Trưng bầy các biển quảng cáo, panô áp phích về sử dụng các thiết bị điện có hiệu số phát quang lớn nhưng tiêu thụ ít điện năng, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời thay cho sử dụng bằng điện, phát tờ rơi tuyên truyền TKĐ đến khách hàng sử dụng để mọi người thấy được lợi ích và tự giác thực hành TKĐ;

- Theo dõi chặt chẽ việc sử dụng điện của các cơ quan, ban ngành hành chính, sự nghiệp theo thông tư liên tịch 111/2009/TTLT/BCT-BTC liên Bộ Công Thương – Tài Chính về việc hướng dẫn thực hiện TKĐ đảm bảo tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng sử dụng hàng năm;

- Thống nhất với các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng. Thực hiện nghiêm túc về thời gian bật đèn và tắt đèn theo qui định, giảm 50% số lượng đèn chiếu sáng tại các đường phố, quảng trường, công viên, vườn hoa công cộng, vận động khách sạn, nhà hàng kinh doanh dịch vụ cắt giảm ít nhất 50% các đèn quảng cáo, trang trí;

- Tăng cường quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện, biểu đồ phụ tải của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, thỏa thuận với khách hàng về biểu đồ phụ tải theo từng khả năng đáp ứng 70 – 50 – 30% nhu cầu phụ tải, thống nhất khách hàng có nguồn điện dự phòng dầu Diezel có kế hoạch tự đảm bảo cung cấp điện trong giờ cao điểm hoặc công suất nguồn thiếu do mất khả kháng;

- Nâng cao các giải pháp cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận, phấn đấu giảm thiểu tổn thất điện năng đối với các xã tiếp nhận từ năm 2009 trở về trước đạt tổn thất trung bình dưới 15%, các xã tiếp nhận năm 2010 tổn thất trung bình dưới 20%. Năm 2010, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tiếp nhận được 296 xã với 297.027 công tơ 1 pha và 5.798 công tơ 3 pha toàn tỉnh;

Anh Nguyễn Cao Long - phường Đông Thọ - TP.Thanh Hóa chia sẽ: Nắm bắt được tình hình sản lượng điện quốc gia bị thiếu hụt, do đó, giá điện tăng nhằm đảm bảo việc cung ứng điện. Trong thời gian qua, gia đình chúng tôi đã thực hiện ý thức “ra tắt, vào đóng” khi cần, sử dụng các thiết bị TKĐ như: bóng đèn Compact tiết kiệm được từ 30 – 50 nghìn đồng so với trước đây.

Từ các giải pháp đồng bộ đó, tính đến tháng 10/2010 các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn đã tiết kiện được 14.414.978 kWh. Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tuyên truyền quảng bá và bán được 75.000 bóng đèn Compact TKĐ và 130 bình nước nóng năng lượng mặt trời.

...đến giải pháp năm 2011
Bước sang năm 2011, từ nhóm các giải pháp năm qua, Công ty Điện lực Thanh Hóa tiếp tục theo dõi các giải pháp TKĐ mà khách hàng đang thực hiện. Từ đó, rút kinh nghiệm và phổ biến giới thiệu cho các khách hàng có cùng quy mô, công nghệ trên địa bàn nhằm đối phó hơn nữa với tình hình khó khăn chung hiện nay.

Mùa khô năm 2011, sản lượng điện trung bình một tháng mà Công ty Điện lực Thanh Hóa nhận được là 102,48 triệu kWh, tính riêng tháng 3/2011 Công ty điện lực Thanh Hóa được phân bổ là 102.26 triệu kWh trong khi sản lượng đăng ký là 113.15 triệu kWh, tháng 4, sản lượng được phân bổ là 98.22 triệu kWh, sản lượng đăng ký là 109.68 triệu kWh. Tuy nhiên, theo tính toán sản lượng trung bình tiêu thụ điện thực tế trên toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ hết khoảng 5 triệu kWh/ngày, so với nguồn sản lượng được phân bổ Thanh Hóa sẽ thiếu khoảng 400.000 kWh/ngày. Do số lượng điện được phân bổ cũng như bị tiết giảm là khá lớn so với nhu cầu thực tế trong việc sử dụng điện, do đó, việc cắt giảm điện với qui mô lớn và trên diện rộng là điều không thể tránh khỏi.

Công ty Điện lực Thanh Hóa đã có kế hoạch cấp điện hợp lý, đảm bảo ưu tiên cấp điện cho các phụ tải thiết yếu, các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, hàng thủy sản, các trạm bơm tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và các cơ sở khám chữa bệnh. Có phương án sa thải, phụ tải khi thiếu nguồn, tránh để mất điện kéo dài trên diện rộng.

Thực hiện các giải pháp quản lý, cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn mới tiếp nhận, giảm tổn thất điện năng ở khu vực này xuống dưới 15% trong năm 2011. Có phương án xử lý kịp thời các sự cố xảy ra, đảm bảo cấp điện ổn định trong thời gian đủ nguồn. Đẩy nhanh tiến độ dự án lưới điện phân phối điện nông thôn và dự án năng lượng nông thôn 2 (phần trung áp) mở rộng, để nâng cao chất lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Dừng các thiết bị và tắt các đèn chiếu sáng không cần thiết trong thời gian nghỉ làm. Không để thiết bị hoạt động non tải, không tỉa, tránh khởi động thiết bị có công suất lớn trong giờ cao điểm. Hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng các loại đèn chiếu sáng có công suất lớn để quảng cáo.

Ông Trịnh Xuân Như – Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết: Việc cắt điện sinh hoạt luân phiên ở các khu dân cư và vùng nông thôn, ưu tiên cho các cơ sở, sản xuất kinh doanh quan trọng. Đó là giải pháp mang tính trước mắt, về lâu dài phải đẩy mạnh phong trào sử dụng TKĐ năng. Hơn lúc nào hết, TKĐ đang là vấn đề cấp thiết, mỗi chúng ta cần phải nâng cao ý thức TKĐ ở mọi lúc, mọi nơi, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Thanh Hóa khẩn trương tiến hành bán điện giá mới theo qui định của Chính phủ. Đặc biệt, quan tâm, tạo điều kiện cho các đối tượng là hộ nghèo được hưởng giá hỗ trợ theo qui định.