Buổi diễn tập diễn ra với tình huống giả định là “Sự cố cháy khu nhà xưởng đóng gói bao bì Alumin thành phẩm và sự cố rò rỉ, tràn đổ hóa chất xút (NaOH).
Đến dự và chỉ đạo buổi diễn tập có: Ông Trần Xuân Hải phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông trưởng ban chỉ đạo cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan.
Mô tả tình huống: Vào khoảng 09 giờ ngày 24 tháng 7 năm 2019, ngoài trời có cơn mưa nhỏ, tại khu vực A03 - khu chứa Xút lỏng (NaOH) (03 bồn chứa với khối tích 1.500 m3/bồn), các công nhân kỹ thuật của nhà máy và nhân viên đơn vị cung cấp hóa chất đang thực hiện quy trình nhập xút lỏng vào bồn.
Đồng thời, tại khu nhà xưởng đóng gói bao bì alumim thành phẩm kế bên khu vực A03, các công nhân đang thực hiện công việc đóng gói bao bì hàng hóa, nhân viên cơ khí đang tiến hành sữa chữa vách tường gần khu vực chứa bao bì của khu nhà xưởng, công việc sữa chữa có sử dụng máy cắt, hàn công nghiệp; trong quá trình cắt, hàn, do bất cẩn nên đã vô tình làm văng vẩy hàn vào vị trí các bao bì bằng chất liệu PE ở phía dưới mà không phát hiện ra.
Sau đó, công nhân này đi ra ngoài uống nước, công nhân khác đang làm việc gần đó phát hiện vẩy hàn đã bắt cháy vào vị trí thùng carton và bao PE, đám cháy nhanh chóng lan rộng cả khu vực nhà xưởng. Các công nhân đang làm việc trong xưởng do ảnh hưởng của khói độc nên bị ngất xỉu nằm trong xưởng; một số công nhân khác đã chạy thoát ra bên ngoài báo cáo tình hình và nhờ người trợ giúp.
Trong lúc này, xe bồn đang tiến hành bơm NaOH vào bồn, hệ thống máy bơm công nghệ cũng đang vận hành bơm xút từ bồn ở khu vực A03 đi về các phân xưởng sản xuất qua hệ thống đường ống thép theo yêu cầu của quy trình sản xuất. Do tình huống cháy bất ngờ xảy ra ở phân xưởng kế bên, công nhân đang thực hiện quy trình bơm xút ở khu vực bồn chứa mất bình tĩnh đã không kịp thời khóa van đường ống.
Đồng thời, do hoạt động lâu ngày và sự ăn mòn của hóa chất, đầu đẩy cổ ống bơm cấp kiềm S002a/b bị vỡ, cộng với áp lực của dòng hóa chất đang được bơm trong đường ống đã tạo ra sự cố rò rỉ hóa chất NaOH, dòng hóa chất bắn thành tia với cường độ mạnh làm cho một lượng lớn hóa chất NaOH bị rò rỉ ra bên ngoài khu vực sân, đường nội bộ, tác động và ảnh hưởng đến các xe bồn đang thực hiện quy trình nhập hàng. Các công nhân vận hành của nhà máy và nhân viên của đơn vị cung cấp hàng đang làm việc do tình huống bất ngờ nên đã bị hóa chất NaOH văng vào người gây bỏng toàn thân, bỏng mắt và bỏng hô hấp.
Thực hiện quy trình ứng phó sự cố hóa chất của nhà máy, lực lượng ứng phó cùng các phương tiện, trang thiết bị tại chỗ của nhà máy đã được huy động và triển khai nhằm ứng phó với sự cố cháy nhà xưởng, sự cố rò rỉ và tràn đổ hóa chất.
Tuy nhiên, sự cố ngày càng lan rộng, đám cháy chưa được dập tắt, hóa chất NaOH vẫn còn tiếp tục tràn đổ ra bên ngoài môi trường trong phạm vi rộng, do ảnh hưởng của trời mưa nên hóa chất NaOH đã theo hệ thống nước mưa chảy vào hệ thống cống đi về hệ thống xử lý nước thải tập trung của nhà máy, tình trạng ô nhiễm môi trường lan rộng, công nhân bị thương đang được sơ cứu nhưng chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong quá trình ứng phó sự cố hóa chất, có nhiều nhân viên của nhà máy do bất cẩn và thao tác không đúng quy trình nên bị phơi nhiễm hóa chất NaOH, bị bỏng da, bỏng mắt, ngạt thở, ngộ độc,…
Ban lãnh đạo Nhà máy đã báo cáo tình hình sự cố cho cơ quan chức năng địa phương (UBND huyện Đắk R’lấp, UBND xã Nghĩa Thắng, UBND xã Nhân Cơ, Cảnh sát PCCC (114), cơ sở y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương…) đề nghị tăng cường lực lượng hỗ trợ cho đơn vị.
Sau khi nhận được báo cáo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Sở Công Thương, Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng có liên quan xuống hiện trường, tổ chức lực lượng tại chỗ của Công ty Nhôm Đăk Nông - TKV phối hợp với các lực lượng được tăng cường, nhanh chóng khoanh vùng, ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả, ổn định tình hình.
Quy trình diễn tập:
* Giai đoạn 1. Sự cố xuất hiện, công tác ứng phó ban đầu tại cơ sở:
Khi phát hiện sự cố, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV thực hiện phương án ứng phó cấp cơ sở.
* Giai đoạn 2. Tiếp nhận và xử lý thông tin:
Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV ngay khi nhận thấy sự cố vượt quá khả năng kiểm soát của đơn vị đã thông báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy 114, Trung tâm y tế huyện Đắk R’lấp bằng điện thoại cố định.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cử người tiếp cận hiện trường đồng thời thông báo cho Sở Công Thương khi nhận định là sự cố hóa chất.
Sở Công Thương xác nhận thông tin, báo cáo UBND tỉnh đồng ý khởi động Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.
* Giai đoạn 3. Huy động các lực lượng tham gia và tiến hành ứng phó sự cố hóa chất:
Thường trực Ban Chỉ đạo là Sở Công Thương thông tin cho các cơ quan liên quan để huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị triển khai kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất.
Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ cụ thể của Sở, ngành mình, đảm bảo an toàn cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
* Giai đoạn 4. Kết thúc hoạt động ứng phó sự cố hóa chất:
Tập trung công tác xử lý môi trường, quan trắc và báo cáo hiện trạng của môi trường xung quanh khu vực sự cố và toàn nhà máy.
Sau khi quá trình ứng phó tại hiện trường đã đảm bảo xử lý hoàn toàn sự cố, Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo Trưởng ban để tuyên bố kết thúc quá trình ứng phó.
* Giai đoạn 5. Báo cáo và đánh giá:
Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV báo cáo nguyên nhân gây ra sự cố, tình hình thiệt hại do sự cố hóa chất. Các cơ quan thành viên báo cáo những hoạt động đã thực hiện của đơn vị mình (về quân số, phương tiện, thiệt hại, các biện pháp đã triển khai…) về Thường trực Ban chỉ đạo. Thường trực Ban chỉ đạo lập báo cáo tổng hợp, báo cáo Trưởng ban chỉ đạo và cơ quan cấp trên có liên quan.
Ban chỉ đạo tổ chức họp đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình ứng phó sự cố và thông cáo báo chí.
Buổi diễn tập kết thúc tốt đẹp vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày và nhận được nhiều sự đánh giá cao về khả năng ứng phó sự cố tại chỗ của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Công ty và các cấp chính quyền địa phương cũng như các cơ quan, lực lượng liên quan.