Sau 10 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, 6 năm bắt đầu cho ra sản phẩm alumin, 5 năm chính thức vận hành thương mại tổ hợp, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã cắt lỗ kế hoạch trước thời hạn 01 năm và đã có lãi.
Theo ông Vũ Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Việc Công ty có lãi ngay từ đầu năm 2017 là nhờ đơn vị đã làm chủ được công nghệ nên dây chuyền sản xuất alumin ngày càng vận hành ổn định.
Trong quá trình vận hành, sản xuất của Dự án Bauxite Tân Rai, hàng trăm đề tài, sáng kiến hữu ích được đội ngũ CBCNV trong Công ty dày công nghiên cứu, đúc rút và đã được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả rõ rệt. Có thể kể ra 3 đề tài, sáng kiến tiêu biểu như:
Sáng kiến cải tiến hệ thống hoạt động của các máy lọc đĩa Khu kết tinh từ mô hình kết nối với 2 bồn kết tinh sang kết nối với 3 bồn kết tinh làm lợi mỗi năm gần 360 triệu đồng. Trong dây chuyền sản xuất alumin, công đoạn kết tinh mầm, để đảm bảo khi cách ly từng bồn kết tinh số 4 hoặc số 5 làm vệ sinh vật liệu hydrat đóng bám dưới đáy bồn định kỳ, các kỹ sư của Công ty đã thiết kế thêm các hệ thống dẫn mầm thô từ các máy lọc đĩa sang bồn kết tinh tiếp theo để đảm bảo cung cấp đủ lượng mầm thô cần thiết cho Khu kết tinh. Nhờ vậy, không phải giảm tải sản xuất của Nhà máy Alumin trong thời gian dừng bồn kết tinh số 4 hoặc 5 để vệ sinh, ngoài ra còn giảm được chi phí vệ sinh làm sạch do thay đổi phương pháp làm sạch.
Thứ hai là sáng kiến cải tiến hệ thống bơm tuần hoàn đơn lẻ dòng đáy từng bồn lắng, rửa khi dừng sản xuất nhà máy alumin làm lợi tới gần 400 triệu đồng mỗi năm. Để thực hiện phương án bơm tuần hoàn dòng đáy các bồn lắng rửa, các kỹ sư đã tận dụng bơm dòng đáy và hệ thống đường ống bơm dòng đáy có sẵn của các bồn để lắp đặt thêm đường ống cấp dòng đáy của từng bồn vào đỉnh của chính bồn đó. Với giải pháp bơm tuần hoàn lượng bùn trong bồn của từng bồn, lượng vật chất trong các bồn của công đoạn lắng rửa được bảo toàn, không phải bơm bùn đỏ ra hồ bùn đỏ gây thất thoát kiềm và nhôm ôxit khi dừng dây chuyền sản xuất để làm sạch và sửa chữa thiết bị. Nhờ vậy, các chỉ số công nghệ khác không thay đổi, không xảy ra hiện tượng lắng đóng bám ở đáy bồn và đường ống không phải cấp nước rửa điền đầy các bồn rửa trước khi vận hành lại lưu trình sản xuất; giảm thời gian khôi phục vận hành lại quy trình sản xuất.
Đặc biệt là sáng kiến xây dựng hệ thống thải bùn ở Nhà máy tuyển bằng phương pháp hoàn thổ trên bề mặt địa hình đã khai thác quặng. Sáng kiến này giúp làm lợi trong năm áp dụng đầu tiên là trên 330 triệu đồng. Do điều kiện thời tiết trong vùng thường xảy ra mưa kéo dài nên việc huy động đất để đắp đập còn nhiều hạn chế, khó đảm bảo tiến độ gây ảnh hưởng đến kế hoạch xả thải của Nhà máy tuyển. Trước bất cập này, để duy trì việc xả thải liên tục, đồng hành với việc sản xuất quặng ở nhà máy tuyển hoạt động thường xuyên, nhóm kỹ sư của Công ty đã đề xuất thực hiện biện pháp xử lý bùn bằng phương pháp hoàn thổ kết hợp với thải vào hồ thải quặng đuôi. Sáng kiến này giúp Công ty xử lý được khoảng 50% lượng bùn thải được lắng đọng trên địa hình đã khai thác, phần còn lại mới thải ở các hồ chứa. Cùng với đó, Công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm nhiều loại chất trợ lắng khác nhau cho khu vực lắng rửa bùn đỏ với mục đích tăng hàm lượng rắn dòng đáy các bồn lắng, bồn rửa làm giảm kiềm bám dính gây thất thoát. Ngoài ra, Công ty còn tận dụng tối đa lượng nước dư hồ bùn đỏ để tái sử dụng, giảm tiêu hao xút... Sáng kiến này có thể được mở rộng áp dụng, tạo ra một hướng mới, một lựa chọn mới trong công nghệ tuyển quặng của quá trình sản xuất khai thác bauxite v.v...
Do đây là các công nghệ lần đầu được áp dụng tại Việt Nam trong quá trình khai thác và tuyển quặng bauxite, alumin, Công ty đã gửi hồ sơ đề nghị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương công nhận để áp dụng vào thực tế.