Cửa mở với doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo

Một trong những cái khó lớn nhất mà các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phải đối mặt là nguồn vốn. Tuy nhiên, luật chứng khoán sửa đổi sẽ góp phần khắc phục tình trạng này.

Ông Hùng Đinh, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp cho biết, có khoảng 97% dự án khởi nghiệp (startup) thất bại trong những giai đoạn đầu tiên, sau khi hoàn thành nghiên cứu về công nghệ và có những sản phẩm demo (thử nghiệm), do không đủ vốn để tiếp tục phát triển sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường. Các startup rất khó gọi vốn vì không có tài sản đảm bảo, chưa có sản phẩm…

Nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước, việc tháo gỡ khó khăn về vốn để tiếp sức cho các ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội phát triển thành những dự án kinh doanh khả thi đang đặt ra bức thiết.

Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, được trình ra Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cho ý kiến, định ra nguyên tắc về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể, theo dự thảo luật, Chính phủ quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trước đó, khi thẩm tra dự án luật của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có hai quan điểm được thể hiện tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4 vừa qua về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được khơi thông dòng vốn để hỗ trợ họ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Quan điểm thứ hai cho rằng, việc chào bán chứng khoán cho đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, do những đặc điểm riêng khác với doanh nghiệp thông thường.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng hành lang pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng trên thị trường chứng khoán. Điều này cũng phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với đặc điểm có vốn thấp, mức độ rủi ro cao, khó đáp ứng được những điều kiện vay vốn của các ngân hàng, nên thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định của luật, tính linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện, tránh ảnh hưởng chung đến thị trường chứng khoán, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung nội dung mang tính nguyên tắc về điều kiện và tổ chức vận hành thị trường vốn dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.

Chia sẻ góc nhìn của cơ quan xây dựng luật, cũng như quản lý thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, trên thế giới, việc huy động vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường không thực hiện qua thị trường chứng khoán, vì có tính rủi ro cao.

Thay vào đó, đa phần họ hoạt động bằng nguồn vốn tự có, vốn được tài trợ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm. Sau thời gian phát triển đủ mạnh, các doanh nghiệp này mới niêm yết trên thị trường chứng khoán và huy động vốn của công chúng thông qua thị trường này.

“Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tìm kiếm nguồn vốn hoạt động, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi định ra nguyên tắc giao cho Chính phủ hướng dẫn về nội dung này. Có thể bước đầu tiên là thành lập đề án, hoặc ban hành nghị định về phát hành chứng khoán áp dụng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trên cơ sở đó, thiết lập bảng giao dịch riêng, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển”, bà Phương nói.       

Theo ĐTCK