Đà tăng nóng của giá dầu thô có thể sẽ hạ nhiệt nhưng vẫn giữ quanh mức 100 USD/thùng

Khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters đối với các nhà kinh tế học và chuyên gia phân tích cho thấy đà tăng nóng của giá dầu thô trong năm ngoái có thể hạ nhiệt trong năm nay nhưng sẽ giữ quanh mức 100 USD/thùng.
dự báo giá dầu
 Dự báo giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong năm 2022 theo khảo sát của Reuters (Đồ hoạ: Reuters)

Cụ thể, khảo sát của hãng tin Reuters đối với 34 nhà kinh tế học và chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá cho thấy giá dầu thô Brentgiá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) được dự báo sẽ đạt trung bình lần lượt: 100,16 USD/thùng và 96,21 USD/thùng trong năm nay. Mức dự báo này giảm nhẹ so với mức 103,07 USD/thùng đối với dầu Brent và 98,49 USD/thùng đối với dầu WTI được đưa ra trong lần khảo sát hồi cuối năm ngoái.

Giới phân tích nhận định việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đợt bùng phát Covid-19 mới có thể làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này trong năm nay, giảm nhẹ tác động từ việc thiếu hụt nguồn cung do cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine gây ra. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Chuyên gia phân tích Norbert Rücker thuộc tập đoàn tài chính Julius Baer (Thuỵ Sĩ) cho biết: "Đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, đặc biệt, việc suy giảm nhu cầu từ Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến giá dầu thô. Tôi cho rằng giá dầu thô sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới, mặc dù diễn biến cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine là điều không đoán trước được”.   

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, dầu thô Brent – loại dầu thô tiêu chuẩn cho toàn cầu đạt trung bình 99,8 USD/thùng và được giao dịch quanh mức 108,7 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 29/4.

Vừa qua, tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Hoa Kỳ) đã nâng dự báo giá dầu thô Brent trong quý 3/2022 lên tới 130 USD/thùng với nhận định nguồn cung dầu thô từ Nga và Iran suy yếu trong thời gian tới sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.

nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu
 IEA đã hạ dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong quý 2/2022 do Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp phong toả kiểm soát dịch Covid-19 tại nước này (Đồ hoạ: Reuters)

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế học và chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Reuters cho rằng thị trường dầu mỏ thế giới sẽ đạt điểm cân bằng vào cuối năm nay khi Hoa Kỳ và liên minh OPEC+ đẩy mạnh sản xuất.

Hãng nghiên cứu thị trường Economist Intelligence Unit (Anh) nhận định nguồn cung dầu thô toàn cầu sẽ được cải thiện đáng kể khi liên minh OPEC+ tiếp tục duy trì mục tiêu nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/tháng. Nhưng tăng trưởng nguồn cung dầu thô có thể bị suy yếu do tình trạng bất ổn tại Libya, theo Economist Intelligence Unit.

Các chuyên gia phân tích cũng đánh giá việc nhiều quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) xả bán lượng lớn dầu từ các kho dự trữ dầu chiến lược có thể kìm hãm đà tăng nóng của giá dầu thô trong ngắn hạn.

Hiện thị trường tập trung theo dõi diễn biến đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát lo ngại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc có thể sẽ bị phong toả khi chính quyền thành phố này đang mở rộng các đợt xét nghiệm quy mô lớn. Các biện pháp phong toả nghiêm ngặt đang khiến hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Duy Quang