Ngày 28/12, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham dự và chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Công nghiệp
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Công nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, năm 2022, Cục Công nghiệp đã tích cực, chủ động, sáng tạo, hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao về tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược về phát triển công nghiệp, cũng như triển khai hiệu quả các chương trình, giải pháp hỗ trợ, mô hình sản xuất nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Những nỗ lực của Cục Công nghiệp đã góp phần đưa ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 25,6% năm 2022. 

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như: nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế; giá trị gia tăng thấp; nền kinh tế có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, trong năm 2022, Cục đang tiếp tục công tác xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và phía Nam với vai trò là đầu mối kết nối với các trung tâm của các địa phương về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, kết nối cung - cầu cũng như đóng vai trò là sàn giao dịch các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong vùng; dự kiến khởi công trong Quý I/2023.

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp đã triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 với mục đích nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các Tập đoàn đa quốc gia. 

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Theo ông Phạm Tuấn Anh, kết quả chính của toàn ngành công nghiệp thể hiện ở quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%). 

Đáng chú ý, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong 11 tháng năm 2022 đạt 407.100 xe, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Công nghiệp

Trong năm 2023, Cục Công nghiệp tiếp tục triển khai các nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 13-KH/TW thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp để báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022-2023.

Đồng thời, đẩy nhanh công tác xây dựng các Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các Vùng Kinh tế trọng điểm, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ và khuyến khích các địa phương xây dựng các Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp tại các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao vai trò của Cục Công nghiệp trong việc chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất các mô hình tổ chức sản xuất nhằm bảo đảm duy trì, khôi phục và từng bước phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt có khả năng ứng phó tốt hơn với các rủi ro và cú sốc từ bên ngoài như đợt dịch Covid-19 vừa qua, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, công tác điều hành, xử lý công việc của Cục đã có đổi mới theo hướng tích cực và hiệu quả hơn, toàn thể công chức của Cục đã đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành công việc chung của Cục, bước đầu tạo được uy tín và lòng tin đối với doanh nghiệp, địa phương thông qua việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và địa phương trong thời gian vừa qua. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, năm 2023, Cục cần tập trung phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, khẩn trương hoàn thiện dự án xây dựng Luật Phát triển công nghiệp nhằm thể chế hóa và triển khai các chỉ đạo tại Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để trình Chính phủ xem xét, thông qua và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023-2024; xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Cục và của Bộ Công Thương trong giai đoạn tới. Đồng thời, nỗ lực hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành thép, ngành sữa, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm, dệt may, da - giày…

Ngoài ra, triển khai quyết liệt và có hiệu quả chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, khuyến khích các địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp để hướng dẫn xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và các nguồn lực của địa phương, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.