Đề xuất Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2022 – 2027.

Theo Bộ Tài chính, do thay đổi từ Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 (AHTN 2017) sang AHTN 2022, biểu thuế bao gồm 50 mã hàng ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Đối với những dòng hàng này, Bộ Tài chính đã xây dựng thuế suất theo nguyên tắc không làm xói mòn cam kết quốc tế, đồng thời đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Một số nhóm hàng chính có sự thay đổi thuế suất khi chuyển đổi Biểu thuế AIFTA theo AHTN 2022 là: động vật thân mềm (Nhóm 0307), cây và các bộ phận của cây (Nhóm 1211), thuốc - dược phẩm (nhóm 3004), tấm và phim để tạo ảnh (nhóm 3705), thuốc trừ côn trùng, diệt cỏ và diệt nấm (nhóm 3808), polyme (nhóm 3903), Plastic dạng sợi monofilament (nhóm 3916), lốp bơm hơi bằng cao su chưa qua sử dụng (nhóm 4011), giấy và bìa (nhóm 4811).

Trong đó 68% thuộc trường hợp là các dòng thuế theo AHTN 2017 được tách mã 10 số tuy nhiên thuế suất đã đồng nhất từ năm 2022 do đó khi chuyển sang AHTN 2022 được giữ nguyên mã hàng 8 số và thuế suất.

Các trường hợp còn lại đều được xử lý theo phương án tách dòng trên 8 số hoặc tìm ra bản chất tương quan với mã 10 số của AHTN 2017, theo đó đều bảo lưu cam kết gốc của Việt Nam tại các Hiệp định (chi tiết tại Phụ lục 2 đính kèm).

Thuế suất AIFTA được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong Hiệp định AIFTA.

Về tổng thể, Biểu thuế AIFTA gồm 11.156 dòng thuế (không bao gồm 264 dòng thuế CKD), trong đó gồm 11.139 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 17 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.

Về các mốc cắt giảm thuế AIFTA cho giai đoạn 2022 – 2027, từ ngày 31/12/2021 tất cả các dòng thuế trong biểu thuế thuộc danh mục thông thường (NT) của Việt Nam đều về 0%, các mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm (ST) và nhạy cảm cao (HSL) được hoàn thành việc cắt giảm vào 31/12/2023.

Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Theo lộ trình cắt giảm thuế quan ASEAN – Ấn Độ giảm dần đều qua các năm, mức thuế suất bình quân dự kiến giảm cho giai đoạn 2022 – 2027 tính trên tổng biểu thuế Nghị định ban hành vào khoảng 1,86% (năm 2022), 1,81% (năm 2023), 1,78% (năm 2024) và 1,67% từ ngày 31/12/2024 – năm cuối lộ trình cắt giảm của Hiệp định AIFTA.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Ấn Độ và điều kiện được hưởng  thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Người nộp thuế theo quy định của Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Cơ quan hải quan, công chức hải quan; Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Theo Dự thảo, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 /12/2022.

Bãi bỏ Nghị định số 159/2012/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của  Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN –Ấn Độ giai đoạn 2018 – 2022.

Nguyễn My