Đề xuất Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện FTA Việt Nam - Israel

Điều kiện áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA sẽ tương tự quy định tại các Nghị định của Chính phủ về biểu thuế của Việt Nam để thực hiện các FTA hiện hành.
thuế xuất nhập khẩu
Bộ Tài chính đề xuất, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong thực hiện FTA Việt Nam - Israel sẽ giảm dần từ nay đến năm 2027.

Dự thảo Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) giai đoạn 2024-2027 đang được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Bộ Tài chính đề xuất, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong thực hiện FTA Việt Nam - Israel sẽ giảm dần từ nay đến năm 2027.

Theo dự thảo, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với 11.387 dòng thuế ở cấp độ 8 số và 59 dòng hàng theo Danh mục Biểu thuế Hài hòa ASEAN (AHTN) 2022 cấp độ 10 số (tổng số là 11.446 dòng hàng có thuế). 

Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Thuế suất trung bình các dòng cam kết tại năm 2024 là 10,3%, năm 2025 là 9,3%, năm 2026 là 8,4% và năm 2027 là 7,5%.

Bộ Tài chính cho biết, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với một số mặt hàng thuộc nhóm hàng 04.07; 17.01; 24.01; 25.01 chỉ áp dụng trong hạn ngạch thuế quan; danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công thương và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu.

Điều kiện áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA: Tương tự quy định tại các Nghị định của Chính phủ về biểu thuế của Việt Nam để thực hiện các FTA hiện hành, dự thảo Nghị định này cũng quy định các điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA.

Gồm: Thuộc biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; Được nhập khẩu vào Việt Nam từ Nhà nước  Israel; Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hoá và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định VIFTA và các quy định hiện hành.

Hàng hóa từ khu phi thuế quan của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường trong nước được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Bộ Tài chính cho biết, Hiệp định VIFTA đã được ký kết vào ngày 25/7/2023 giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel. 

Để triển khai thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định VIFTA, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ ban hành Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VIFTA giai đoạn 2024-2027 (theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) 2022 hiện hành).

Căn cứ thông lệ và thực tiễn xây dựng các Nghị định biểu thuế để thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đảm bảo tiến độ, việc xây dựng, ban hành Nghị định được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm mục đích thực hiện đúng cam kết của Việt Nam tại Hiệp định VIFTA, đảm bảo tính tương thích của Nghị định với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết; bao gồm việc tuân thủ Hiệp định Hải quan ASEAN.

ky ket hiep dinh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Lưu Quang

 

Ngày 25/7/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA).

Hiệp định VIFTA được khởi động đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Việc VIFTA được ký kết đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán và càng có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTAvà Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.

Israel hiện là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Tây Á. Cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có sự bổ sung cho nhau.Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Hiệp định gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế.

Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai Bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai Bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.Không chỉ góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa chiều, VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…

 

Hoàng My