Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Cao tốc Cao Lãnh

Theo Quyết định, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 7.496 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự án thành phần 1: Tổng số khoảng 3.640 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2.155,8 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 745 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội và Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ);

Nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 ngân sách trung ương là 1.410,8 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội và Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ).

- Chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1.484,2 tỷ đồng (được bố trí trong nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo đúng quy định của pháp luật).

Dự án thành phần 2: Tổng số khoảng 3.856 tỷ đồng

- Giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2.941 tỷ đồng, bao gồm:

Nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 459 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội và Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ);

Nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 ngân sách trung ương là 872 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội và Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ);

Nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 ngân sách trung ương (cân đối từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 theo Nghị quyết số 40/2023/NQ-UBTVQH15 ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) là 1.610 tỷ đồng.

- Chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 915 tỷ đồng (được bố trí trong nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo đúng quy định của pháp luật).

Thông tin các dự án thành phần

Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km16+000) chiều dài khoảng 16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 623 tỷ đồng).

Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) chiều dài khoảng 11,43 km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.255 tỷ đồng).

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2022 và Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và kết quả tổng hợp các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án.

Phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban nhân dân các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp và các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai Dự án; thực hiện kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án.

Ủy ban nhân dân các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu phê duyệt phương án xây dựng, tổng mức đầu tư, dự toán; kết quả nghiên cứu lập dự án đầu tư làm cơ sở tổng hợp trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án.

Đồng thời chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai dự án; bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước.

Trước đó, ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 lên 7.496 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ GTVT đưa ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng là do tăng chi phí GPMB và điều chỉnh chi phí xây dựng.

Cụ thể, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu do thay đổi về đơn giá bồi thường đất, cây trồng, vật kiến trúc và chính sách hỗ trợ so với thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư.

Chi phí xây dựng, thiết bị dự kiến tăng 644 tỷ đồng.

Trong đó, dự án thành phần 1 giảm khoảng 34 tỷ đồng sau khi cập nhật giá trị hợp đồng xây dựng đã ký, đã bao gồm cả khối lượng bổ sung đường gom dân sinh.

Dự án thành phần 2 tăng khoảng 678 tỷ đồng do bổ sung đường gom dân sinh, hiệu chỉnh giải pháp chi tiết về xử lý đất yếu cho phù hợp với kết quả khảo sát địa chất công trình và thiết kế, tối ưu hơn các hạng mục công trình.

Cũng theo phương án được trình xem xét, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác giảm 14 tỷ đồng; Chi phí dự phòng giảm 42 tỷ đồng.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km16+000) chiều dài khoảng 16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 623 tỷ đồng).

Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) chiều dài khoảng 11,43 km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.255 tỷ đồng).

Trên đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 có 19 công trình cầu; các nút giao; đường gom, đường hoàn trả; hệ thống thoát nước; các công trình khác như hệ thống an toàn giao thông, hàng rào, điện chiếu sáng, gia cố mái taluy… Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường gần 25m, vận tốc thiết kế 100km/h. Trong giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h. Thời gian thực hiện Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2027.

Khánh Vy