Đón sóng VKFTA: Ráo riết chuyển hướng đầu tư

Nhưng quan trọng hơn, hiệp hội và doanh nghiệp trong nước nắm bắt được tiến trình đàm phán, tiên lượng được khoảng thời gian kết thúc đàm phán, thời điểm ký kết và thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Đây

Khai thác ngay khi có hiệu lực

Sáng 5/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại - Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick, đại diện cho chính phủ hai nước, đã ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).

Phát biểu tại lễ ký kết, cả hai Bộ trưởng đều bày tỏ sự tin tưởng Hiệp định sẽ tạo ra sự thay đổi theo hướng tích cực đối với hoạt động xuất khẩu và đầu tư, nhất là những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và mang tính bổ sung cho nhau bao gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, khu vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, xăng dầu, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải...

Ông Tae Yong Shinn, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (Koima) thì cho rằng, VKFTA là bệ phóng để tăng xuất khẩu hàng hóa giữa hai nước.

Tuy nhiên, từ khá lâu trước đó cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã chạy đua nước rút chuẩn bị các dự án mới, nâng công suất, mở rộng sản xuất dự án cũ nhằm khai thác VKFTA ngay khi có hiệu lực. Cho đến nay, có thể nói gần như tất cả các sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc như dệt may, đồ gỗ, thủy sản, giày dép, nông sản, sản phẩm điện tử... nằm trong danh mục giảm thuế của VKFTA đều được doanh nghiệp hai nước ráo riết đầu tư từ trước đó.

Tháng 7/2014 Thanh Hóa đã cấp phép đầu tư cho Công ty TNHH S&H Vina (Hàn Quốc) thực hiện Dự án Nhà máy may xuất khẩu S&H Vina tại xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành.

Tháng 10/2014, địa phương này cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án Nhà máy may Việt Pan - Pacific Thanh Hóa tại huyện Ngọc Lặc.

Gần đây nhất, ngày 21/4/2015, Thanh Hóa đã chấp nhận cho Công ty In Kyung Apparel Co.Kr (Hàn Quốc) thực hiện dự án Nhà máy may In Kyung Vina Co.; Ltd.

Về phía doanh nghiệp trong nước, trong các năm 2013, 2014, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ đẩy nhanh tiến độ nên đã sớm đưa vào hoạt động các dự án Trảng Bàng 1 và 2 Nhà máy sản xuất sợi POY tại Trảng Bàng (Đồng Nai), năm 2015 này đầu tư tiếp Trảng Bàng 3 và năm 2016 là Trảng Bàng 4.

Nhìn trên tổng quan, khi đàm phán VKFTA có tín hiệu khả quan, thì số lượng doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu với Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng, từ 10.900 doanh nghiệp trong năm 2013 lên 13.100 doanh nghiệp năm 2014, trong đó số lượng các doanh nghiệp dẫn đầu thuộc về dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ...

Chuyển hướng đầu tư

Phiên đàm phán lần thứ nhất Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức vào tháng 9/2012 tại Hàn Quốc. Chỉ 4 tháng sau đó, ngày 18/1/2013 tại TP. Cần Thơ và ngày 23/1/2013 tại TP. Hải Phòng, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo về đàm phán VKFTA. Ngày 5/5/2015 hai nước ký kết chính thức Hiệp định thì chỉ 2 tuần sau, ngày 21 và 22/5 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính và VCCI tổ chức hội thảo: “VKFTA: Nội dung cam kết - tác động tới doanh nghiệp Việt Nam”.

Ở bất cứ cuộc hội thảo hay tọa đàm nào, thành phần doanh nghiệp được mời và tham dự đông nhất vẫn là dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ. Đây là những nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh của nước ta và cũng là những nhóm hàng nằm trong số được phía Hàn Quốc mở cửa thị trường ngay.

Trong suốt quá trình đàm phán, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nước ta nhiều lần được tham vấn thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm. Nên có thể nói, về cơ bản các doanh nghiệp trong nước đã rành rẽ các nhóm hàng, mặt hàng nằm trong danh mục giảm thuế, dung lượng thị trường những mặt hàng này ở Hàn Quốc, quy trình nhập khẩu hàng hóa vào Hàn Quốc, những quy định kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc v.v...

Nhưng quan trọng hơn, hiệp hội và doanh nghiệp trong nước nắm bắt được tiến trình đàm phán, tiên lượng được khoảng thời gian kết thúc đàm phán, thời điểm ký kết và thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Đây là những nhân tố không thể thiếu cho các quyết định đầu tư. Như chúng ta đã biết, tiềm lực của doanh nghiệp trong nước còn mỏng, nếu đầu tư “đón lõng” quá sớm có thể đẩy chi phí vay lên cao so với dự toán; ngược lại, quá chậm sẽ có thể vuột mất cơ hội, phải khai thác thị trường ngách.

Do dự đoán được khả năng hoàn tất VKFTA, nên trong năm 2014 có sự thay đổi đến chóng mặt cơ cấu đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước. Công ty May Hưng Yên, một doanh nghiệp xuất khẩu lớn với kim ngạch 357 triệu USD năm trước, trong đó, thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ và EU. Thị trường Hàn Quốc chỉ chiếm 10%, nhưng từ 2014, Công ty đã cân nhắc chuyển mạnh sang thị trường Hàn Quốc với việc đầu tư các chuyền sản xuất áo lông vũ xuất khẩu sang thị trường này và phản ứng ban đầu là rất tốt.

Tháng 9/2014, Tổng công ty May Đức Giang đã khởi công xây dựng Trung tâm may xuất khẩu ở tỉnh Hòa Bình mà theo Chủ tịch HĐQT Hoàng Vệ Dũng là để đón đầu VKFTA với các mặt hàng quần và áo sơ mi nam, quần áo nữ, áo khoác, jacket, sợi cotton đang rất hút hàng với thị trường Hàn Quốc và nằm trong danh mục được bỏ thuế ngay.

Các doanh nghiệp gỗ cũng tất bật với những dự án mới. Trước nay, đồ gỗ của ta xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc với các sản phẩm đồ gỗ ngoài trời, ván dăm và đồ gỗ mỹ nghệ. Song từ giữa năm 2013 đến nay, nhiều doanh nghiệp gạo cội trong làng đồ gỗ như Trường Thành, Tiến Đạt, Đại Thành, Phú Tài chuyển hướng sản xuất mặt hàng nội thất trong nhà, đồ gia dụng kích thước nhỏ, là mặt hàng đang được ưa chuộng tại Hàn Quốc.

Sự chuyển hướng này xuất phát từ những chuyến cấp tập khảo sát thị trường đầu năm 2013. Nếu ở nhà, doanh nghiệp làm sao biết tại Thủ đô Seoul, tỷ lệ người độc thân Hàn Quốc đang chiếm số đông, số căn hộ dành cho 1 người đang chiếm 23,95% thị trường bất động sản, gần 50% diện tích nhà ở cho đối tượng gia đình dưới 2 người? Và vì diện tích sinh hoạt nhỏ nên người Hàn Quốc sẽ có thiên hướng chọn mua các sản phẩm đồ nội thất có kích thước vừa phải. Cũng qua những chuyến đi, doanh nghiệp nước ta biết được rằng, khoảng 70% các chung cư cũ tại Hàn Quốc được xây dựng từ giữa những năm 1970-1980, tương đương khoảng 3,5 triệu căn hộ có trên 20 năm. Do vậy, nhu cầu sửa chữa lại nhà là rất lớn. Điều này cũng làm tăng nhu cầu sử dụng đồ nội thất mới, đặc biệt là đồ gỗ nhà bếp, đồ gia dụng.

Lợi ích kép

Ở trên, chúng ta mới chỉ nói đến những cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc mang tính cạnh tranh hơn, nhờ giảm thuế nhập khẩu. Quả thực, đây là lợi ích rất căn bản của VKFTA. Một thí dụ rõ nét nhất là với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN). Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan.

Tuy nhiên, lợi ích không chỉ có vậy. Đôi khi, cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam nhân gấp đôi. Như đối với ngành dệt may, những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc có sự bứt phá ngoạn mục. Nếu như năm 2009, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc mới đạt chưa đầy 300 triệu USD, thì năm 2013, đã đạt gần 1,9 tỷ USD; kết thúc năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hàn Quốc tăng 27%, đạt 2,4 tỷ USD và năm 2015, dự kiến xuất khẩu sẽ vượt 3 tỷ USD. Hàn Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của hàng dệt may Việt Nam, sau Mỹ, EU, Nhật Bản.

Nhưng với VKFTA, không chỉ có con số kim ngạch tăng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian qua mà các ngành sản xuất công nghiệp như dệt may, giày, dép, điện tử còn được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu ưu đãi nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, là nhà cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày và linh kiện điện tử lớn thứ 2 cho Việt Nam.

Hay như với ngành chế biến gỗ, trước đây, các sản phẩm gỗ nội thất bọc da xuất sang Hàn Quốc thường phải chịu mức thuế từ 3-5% có loại tới 6% nhưng với VKFTA, tất cả đều bằng 0%. Cùng với đó, mức thuế nhập khẩu máy móc thiết bị chế biến gỗ như máy cưa xẻ, máy sấy, gia công chi tiết của Hàn Quốc cũng giảm xuống còn 0%. Điều này giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Với VKFTA, thị trường vốn đã rộng mở từ Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Hàn Quốc nay càng thêm rộng đường. Thậm chí trong quá trình đàm phán, hai bên cũng đã thống nhất nội dung Thỏa thuận thực thi các cam kết hợp tác kinh tế. Theo đó, phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh trong những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như: nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ...


Trung Văn