Động lực nào đẩy thị trường chứng khoán tăng cao kỷ lục

Những ngày cuối tháng 11/2017, diễn biến của thị trường chứng khoán lại đang trở thành câu chuyện cửa miệng của rất nhiều người, không chỉ là những nhà đầu tư. Mối quan tâm và sự hào hứng đang xuất hi

Quả thực với mức điểm số gần 940 điểm, thị trường chứng khoán đã ghi một dấu ấn quan trọng, là xóa hết 10 năm khủng hoảng kéo dài. Điểm số của VN-Index thời điểm cuối năm 2007 là 927 điểm, và đúng 10 năm sau, thị trường đã làm tốt hơn.

Kinh tế tăng tưởng mạnh

Tốc độ tăng trưởng vĩ mô mạnh mẽ trong quý 3/2017 báo hiệu đà đi lên ngày càng nhanh của nền kinh tế. GDP trong quý 3/2017 đạt mức tăng 7,46% và triển vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% đã nằm trong tầm tay. Và cũng giống như thị trường chứng khoán, tăng trưởng GDP đang quay trở lại tốc độ của những năm trước khủng hoảng tài chính 2008.

Một báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đầu tháng 10/2017 dự báo tăng trưởng quý 4 sẽ đạt khoảng 7,5%-7,7%. Điều đó dẫn tới tăng trưởng GDP cả năm 2017 có thể đạt trên 6,7%.

Các tổ chức quốc tế đánh giá độc lập cũng đã liên tục thay đổi các dự báo tăng trưởng của Việt Nam sau khi chứng kiến mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” của quý 3. Việc thay đổi trong các phân tích so với hồi đầu năm nay cho thấy các tổ chức này cũng bất ngờ trước những thành tựu đạt được. Họ cũng phải cập nhật tốc độ tăng trưởng mới dựa trên những thay đổi mang tính cơ cấu.

Chẳng hạn báo cáo mới nhất hồi tháng 10 của HSBC nhận định tăng trưởng của Việt Nam đã vượt qua kỳ vọng của HSBC và 6,3% của Bloomberg. Với các chỉ số thường kỳ thể hiện rất tốt, hiện tại HSBC một lần nữa điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 6,6% cho năm 2017. Tổ chức này cũng nhấn mạnh tới yếu tố tăng trưởng xuất khẩu, du lịch, đầu tư nước ngoài và nông nghiệp.

Ngoài ra, các dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm 2018 của tất cả các tổ chức quốc tế đã đưa ra đều ở mức cao. HSBC đưa ra dự báo 6,4%, ADB dự báo tăng trưởng 6,5%...

Đối với Chính phủ, kỳ họp Quốc hội tháng 10 vừa qua đã đề ra các mục tiêu tổng quát cho năm 2018: GDP tăng trưởng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Mặc dù các dự báo kinh tế thường khác nhau và có thay đổi sau khi cập nhật các diễn biến mới, nhưng nhìn chung không có dự báo nào của bất kỳ tổ chức nào đánh giá tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018 ở mức thấp. Nếu nhìn vào diễn biến tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2008 đến nay thì sau khi chạm đáy 2009, nền kinh tế trải qua thời kỳ phục hồi chậm kéo dài tới tận 2013 và bắt đầu tăng tốc từ đó đến nay.


Đối với thị trường chứng khoán, diễn biến của nền kinh tế vĩ mô chi phối các chu kỳ tăng trưởng/suy thoái dài hạn. Kể từ đáy khủng hoảng vào tháng 2/2009 đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng trưởng 281%, trong đó riêng từ đầu năm 2013 đến nay tăng trưởng gần 148%. Từ đầu năm 2017 đến nay tăng gần 41%. Mức tăng trưởng này phù hợp với các chu kỳ tăng tốc, giảm tốc của GDP trong cùng thời gian.

Dòng tiền mạnh mẽ trên thị trường

Bất kỳ thị trường giao dịch tài sản nào muốn tăng trưởng đều cần đến lượng tiền lớn. Thị trường chứng khoán tuy chuyển biến phù hợp trong dài hạn với tốc độ tăng trưởng vĩ mô, nhưng yếu tố quan trọng không kém, là phải thu hút được một lượng tiền lớn tham gia vào.

Những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2017 đều cho thấy một sự phù hợp nói trên: Thanh khoản gia tăng rất mạnh đi kèm với tốc độ tăng trưởng giá mạnh mẽ. Thị trường đã chứng kiến những phiên giao dịch với quy mô lớn chưa từng có kể từ khi thành lập, như phiên giao dịch trên 20.000 tỷ đồng ngày 7/11/2017, hay phiên 14.000 tỷ đồng ngày 13/11/2017. Các phiên giao dịch trên 6.000 tỷ đồng đến 9.000 tỷ đồng xuất hiện thường xuyên.



Quy mô thanh khoản tăng đột biến như vậy xuất phát từ sự gia tăng của hai dòng tiền chính trên thị trường: Thứ nhất là dòng vốn nội địa, xuất phát từ nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước và thứ hai, dòng vốn nước ngoài mới đang đổ vào với quy mô cực mạnh.

Đối với dòng vốn trong nước, thị trường chứng khoán hay bất kỳ thị trường tài sản nào khác tăng trưởng, đều thu hút được lượng tiền nhàn rỗi đổ vào. Đó là điều đã từng diễn ra trên thị trường vàng, thị trường bất động sản, và giờ là thị trường chứng khoán.

Bên cạnh câu chuyện hấp dẫn về tốc độ tăng trưởng giá cổ phiếu, dòng tiền nội địa tăng lên còn là do chính sách nới lỏng tiền tệ đang diễn ra. Theo số liệu của Tổng cục thống kê thì đến 20/9/2017, tăng trưởng tín dụng là khoảng 11,02%. Số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia 9 tháng tăng trưởng tín dụng khoảng 11,5%. Thông thường quý 4 cuối năm là quý có tốc độ giải ngân vốn mạnh nhất, có thể chiếm tới một phần ba mức tăng trưởng tín dụng cả năm. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 21% cho năm nay, nghĩa là tiền sẽ còn được bơm ra với tốc độ lớn hơn nữa.

Với các quy định chặt chẽ của ngành ngân hàng thì rất khó để liên thông tốc độ bơm tín dụng vào nền kinh tế với lượng vốn chảy sang thị trường chứng khoán. Tuy nhiên thị trường có khả năng điều tiết rất lớn và không gì có thể ngăn chặn được dòng vốn tín dụng tiêu dùng như mua nhà, mua xe chảy vào kênh đầu tư cổ phiếu.

Đối với dòng vốn quốc tế, điều hiển nhiên là quy mô đang tăng cực mạnh cùng với hàng loạt các đợt bán đấu giá cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp hàng đầu. Điều đặc biệt hơn chính là sự hấp dẫn từ mức độ thành công của các quỹ đang làm ăn ở Việt Nam. Cứ theo báo cáo thành tích của các quỹ gần đây thì mức độ tăng trưởng lợi nhuận đều trên 30%. Đó chính là điểm hấp dẫn khó cưỡng và dòng vốn nước ngoài chậm chân không thể khoanh tay đứng nhìn.

Không phải ngẫu nhiên giới tài chính quốc tế lại đánh giá đồng VND của Việt Nam là đồng tiền ổn định nhất châu Á. Chỉ riêng từ đầu năm đến cuối tháng 11, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm 6 tỷ USD. Theo đó tổng dự trữ ngoại hối khoảng 45 tỷ USD. Dòng vốn nước ngoài vào đang tạo trạng thái dư thừa USD. Những biểu hiện sơ bộ có thể nhìn thấy ngay là hàng tỷ USD đã được chi ra để mua cổ phần các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra còn chưa kể tới dòng vốn gián tiếp chạy thẳng vào thị trường, hoặc thông qua các quỹ đầu tư.


Hoàng Nguyên