Đường dây 500kV mạch 1: 28 năm vận hành an toàn, truyền tải liên tục

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, nền kinh tế cả nước có sự tăng trưởng vượt bậc cùng với đó là nhu cầu sử dụng điện tăng cao để phát triển KTXH và đời sống dân sinh. Trước tình hình đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định: Trong vòng 2 năm xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV để truyền tải điện năng từ Miền Bắc vào Miền Nam và Miền Trung. Đến thời điểm này các chuyên gia nhận xét và đánh giá đây là một quyết định táo bạo, lịch sử và hết sức đúng đắn.

Từ sau chủ trương đổi mới tại Đại hội đảng VI năm 1986, kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến tích cực. Giai đoạn 1990 - 1995, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14%. Nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng gia tăng hằng năm, cụ thể là 13,12% vào năm 1993; 18,43% vào năm 1994 và 20,62% vào năm 1995 (so với năm trước).

TBA 500kV Hòa Bình nhìn từ trên cao

TBA 500kV Hòa Bình nhìn từ trên cao

Khu vực Miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển tốt về kinh tế nhưng việc phát triển nguồn điện ở khu vực này không đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng. Trong giai đoạn từ 1991-1994 chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa - 230MW được đưa vào vận hành. Công suất lắp đặt của Miền Nam chỉ đáp ứng được 89,73% (lắp đặt 1005MW, nhu cầu 1120MW) nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần.

Khu vực Miền Trung được cấp điện chủ yếu qua đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới lấy điện từ Hòa Bình, đường dây 66 kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ. Do đường dây quá dài nên công suất truyền tải bị hạn chế và chất lượng điện cuối nguồn không đảm bảo, thường xuyên bị sụp đổ điện áp ở các khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Công suất lắp đặt của Miền Trung chỉ đáp ứng được 40,91% nhu cầu (lắp đặt 90MW, nhu cầu 220MW).

Trong khi đó, tại Miền Bắc, các nhà máy nhiệt điện than Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại, các tổ máy số 3-8 của nhà máy thủy điện Hòa Bình lần lượt được đưa vào vận hành, Miền Bắc cơ bản thừa công suất. Trước tình hình đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định: Trong vòng 2 năm xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV để truyền tải điện năng từ Miền Bắc vào Miền Nam và Miền Trung. Đến thời điểm này các chuyên gia nhận xét và đánh giá đây là một quyết định táo bạo, lịch sử và hết sức đúng đắn.

Lúc đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã luôn trăn trở rằng, miền Nam thiếu điện 1 giờ thì đất nước mất hàng trăm tỉ; thiếu điện 1 ngày mất hàng ngàn tỉ; thiếu một năm thì Việt Nam sẽ mất biết bao nhiêu tiền… Thủ tướng nói: “Tôi tính từng giờ, từng phút đấy chứ không phải tính bằng đơn vị năm nên các anh phải làm được, tôi cho phép huy động toàn dân”. Điều đó để cho thấy sự quyết tâm và có tính toán hiệu quả to lớn của người đứng đầu Chính phủ. Việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV trong vòng 2 năm có thể nói là một kỷ lục không chỉ của Việt Nam, trong khi trên thế giới, những đường dây tương tự, với chiều dài bằng nửa của Việt Nam mà phải mất tới 7 - 8 năm trời.

Hồi ức về công tác chuẩn bị sản xuất đường dây 500kV khu vực Miền Bắc

Tháng 2/1993, Bộ Năng Lượng quyết định thành lập Ban chuẩn bị sản xuất đường dây 500kV (CBSX) trực thuộc thuộc Sở Truyền tải điện Miền Bắc (tiền thân của Công ty Truyền tải điện 1). Nhiệm vụ của Ban CBSX của Sở Truyền tải điện Miền Bắc (thuộc Công ty Điện lực 1), hiện nay là Công ty Truyền tải điện 1 ngoài nhiệm vụ chuẩn bị cho việc nghiệm thu tiếp nhận và quản lý vận hành hơn 406km đường dây và 2 trạm 500kV Hòa Bình và Hà Tĩnh, còn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch CBSX toàn bộ hệ thống 500kV từ Bắc vào Nam cho tất cả các đơn vị truyền tải điện cả nước trực thuộc 3 Công ty Điện lực Miền.

Đặc biệt Sở Truyền tải điện Miền Bắc còn được giao nhiệm vụ thay mặt Bộ Năng Lượng chấp bút biên soạn quy trình vận hành tất cả các thiết bị trên lưới điện 500kV.

Hàng ngàn trang tài liệu tiếng Anh của các hãng sản xuất lớn trên thế giới như ABB; SIEMENS, ALSTHOM,… với nhiều kỹ sư trẻ của Công ty ngày ấy lần đầu tiên được tiếp xúc, đọc, dịch và lựa chọn ra những điều cốt lõi nhất để đưa vào trong cuốn quy trình vận hành này.

Các khái niệm cơ bản mà bây giờ đã trở nên thân quen nhưng ngày đấy thật là mới mẻ bỡ ngờ như UHV (Ultra Hight Voltage – Siêu cao áp); AR (Auto reclose) một pha; hay là khái niệm mới liên quan tới chiều dài hệ thống đường dây 500kV từ Hòa Bình tới Phú Lâm dài 1.487km tương đương với 1,500km (¼ bước sóng)… và còn nhiều điều khác nữa.

Vị trí 153 ĐZ 500kV Vũng Áng - Đà Nẵng (ĐZ500kV Bắc Nam mạch 1) và VT 756 (Đảo pha) ĐZ 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh 2 (ĐZ 500kV Bắc Nam mạch 2) điểm cuối danh giới quản lý vận hành giữa PTC1 và PTC2

Vị trí 153 ĐZ 500kV Vũng Áng - Đà Nẵng (ĐZ500kV Bắc Nam mạch 1) và VT 756 (Đảo pha) ĐZ 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh 2 (ĐZ 500kV Bắc Nam mạch 2)

điểm cuối danh giới quản lý vận hành giữa PTC1 và PTC2

Tất cả những thách thức và khó khăn đó đã được bao lớp thế hệ các cán bộ, kỹ sư Công ty Truyền tải điện Miền Bắc vượt qua và minh chứng bằng sức sống của các cuốn quy trình vận hành các thiết bị:
+ Máy biến áp 500kV của hãng Jeumont Schneider (Pháp)
+ Tụ bù dọc 500kV của hãng Nokian Capacitor (Phần Lan)
+ Kháng bù ngang 500kV của hãng ABB (Thụy Điển)
+ Máy cắt 500kV của hãng Nuova Magrini Galileo (Italia)
+ Rơ le của GEC Alsthom (Anh) và Siemens (Đức)…

Đối với công tác đào tạo lực lượng quản lý vận hành, Sở Truyền tải điện Miền Bắc lúc đó đã kết hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo hàng trăm kỹ sư điện thuộc hệ thống truyền tải điện của cả nước, hàng loạt các cán bộ chủ chốt của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia bây giờ đã kinh qua và tốt nghiệp ở khóa đào tạo này.

Đứng lớp ngày đấy là các giáo sư tiến sỹ đầu ngành của ngành hệ thống điện Việt Nam như Giáo sư - Viện sỹ Trần Đình Long; Giáo sư Võ Viết Đạn; Giáo sư Lã Văn Út, …

Các kiến thức thu nhập được tại các trường đại học trong nước và nước ngoài đã được đúc kết lại thành sách đào tạo của Công ty truyền đạt và giảng dạy cho các lớp công nhân quản lý vận hành mới được tuyển dụng để phục vụ cho công tác chuẩn bị sản xuất đường dây 500kV.

Đúng lớp lúc đó là các thầy giáo nội bộ “của nhà” khả kính như anh Nguyễn Văn Hữu (cố Trưởng phòng Kỹ thuật); anh Trần Minh Tuấn (sau này là Phó Giám đốc Công ty); anh Nguyễn Hữu Long (sau này là Phó Giám đốc Công ty); anh Đinh Văn Dưỡng (sau là Giám đốc Truyền tải điện Hà Nội)…,

Các học sinh tốt nghiệp ngày đó nay cũng đã là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống truyền tải điện như các anh: Lữ Thanh Hải (Giám đốc Truyền tải điện Thanh Hóa); anh Nguyễn Sỹ Thắng (Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh); anh Phạm Văn Nguyên (Phó Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc); anh Phạm Thanh Hải (Phó Giám đốc Truyền tải điện Nghệ An),…

Thay cho lời kết

Trong những ngày cuối tháng 5 năm 2022 này, kỷ niệm 28 năm ngày đóng điện vận hành đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1, các ký ức ùa về như một câu chuyện mới của ngày hôm qua, mọi thử thách, gian khổ cũng như tình cảm anh em đồng đội vẫn còn vẹn nguyên.

Qua 28 năm vận hành đường dây 500kV Bắc Nam, đã khẳng định tính đúng đắn, sự sáng suốt, quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành Điện đối với đất nước, với cộng đồng.

Như nguyên một vị lãnh đạo Đảng và nhà nưới đã nói: “Việc xây dựng và hoàn thành Đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 có chiều dài lớn (1.487 km), công nghệ phức tạp trong một thời gian ngắn kỷ lục đã trở thành kỳ tích của ngành Điện Việt Nam.

Đưa đường dây vào vận hành thành công, chúng ta đã xóa bỏ đi những hồ nghi, e ngại ban đầu và quan trọng nhất là chúng ta đã có một hệ thống điện quốc gia hợp nhất, từ đó đảm bảo việc vận hành kinh tế các nhà máy điện trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

PTC1