EVNGENCO 3: Đảm bảo quyền lợi người lao động khi cổ phần hóa

Để hiểu rõ hơn về quyền lợi của người lao động khi EVNGENCO 3 cổ phần hóa, phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch EVNGENCO 3.

PV: Thưa ông, khi EVNGENCO 3 cổ phần hóa người lao động sẽ được lợi gì?

Ông Nguyễn Văn Lê: Theo phương án cổ phần hóa (CPH) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, người lao động (NLĐ) được mua cổ phần ưu đãi là 3.424.100 cổ phần, tương đương 0,1645% vốn điều lệ. Lúc này, NLĐ làm chủ Doanh nghiệp thông qua số cổ phần nắm giữ, quyền lợi của NLĐ không dừng ở việc nhận lương mà còn gắn chặt với kết quả lao động của chính bản thân họ tạo lập nên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua chỉ số chính là cổ tức nhận được. Bên cạnh đó, TCT - CTCP (trong phương án CPH) tiếp tục cam kết đảm bảo tiền lương, phúc lợi cho NLĐ sẽ bằng hoặc cao hơn trước khi cổ phần hóa miễn là họ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và năng suất lao động do công ty cổ phần (CTCP) thiết lập.

PV: Thưa ông, sau khi CPH số lao động dôi dư sẽ được giải quyết ra sao?

Ông Nguyễn Văn Lê: Năm 2013, ba tổng công ty phát điện thuộc EVN, GENCO 1, 2, 3 được thành lập và đi vào hoạt động. EVNGENCO 3 được chọn là đơn vị CPH đầu tiên là nằm trong lộ trình triển khai thị trường điện cạnh tranh của Chính phủ. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong CPH và hiệu quả hoạt động của CTCP, trong suốt 5 năm qua, EVNGENCO3 đã triển khai việc sắp xếp lại lao động trong toàn TCT với trên 1000 lượt người được điều phối hợp lý nên TCT không có lao động dôi dư khi CPH.

EVNGENCO 3 hiện là đơn vị có năng suất lao động cao nhất trong ngành điện. Sau CPH, EVNGENCO 3 tiếp tục tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính và cũng là “ngành nghề chuyên nghiệp - chuyên sâu” có lợi thế cạnh tranh nhất của mình là sản xuất kinh doanh điện năng, đầu tư các dự án điện mới và cung cấp dịch vụ vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy điện… nên luôn có nhu cầu gia tăng lao động. Nếu NLĐ luôn nỗ lực làm việc, không ngừng học tập rèn luyện, đáp ứng được các yêu cầu của TCT- CTCP tại vị trí làm việc thì NLĐ luôn có chỗ đứng vững chắc tại doang nghiệp.

PV: ThưA ông, EVNGENCO3 có sự chuẩn bị như thế nào cho NLĐ để sẵn sàng với việc CPH?

Ông Nguyễn Văn Lê: Ngay từ khi bắt đầu triển khai công tác CPH, thông qua trang thông tin và các đợt truyền thông nội bộ, Ban lãnh đạo, các Ban chuyên môn đã phối hợp với Công đoàn tổ chức tuyên truyền làm cho NLĐ hiểu và nắm về chủ trương CPH của Đảng và Nhà nước, quá trình CPH của TCT, vị thế của từng đối tượng trong CTCP và việc thay đổi mô hình hoạt động hướng đến hiệu quả- công khai- minh bạch nhất, huy động được mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ/kinh doanh theo nhu cầu của xã hội là mô hình tối ưu nhất trên toàn cầu và là xu thế tất yếu của sự phát triển Việt Nam và thế giới.

Quán triệt với NLĐ xác định sau CPH người lao động có cổ phần trở thành người chủ của doanh nghiệp theo tỷ lệ phần vốn góp khác với trước đây là chỉ là người làm thuê cho doanh nghiệp và họ sẽ lao động trong một môi trường minh bạch, cạnh tranh và nhiều thách thức hơn. Vị thế của họ trong doanh nghiệp do chính họ quyết định.

Sau CPH, CTCP với lực lượng lao động trong dây chuyền sản xuất kinh doanh có tuổi đời bình quân trên dưới 33 tuổi, với 100% đã qua đào tạo; lao động có trình độ đại học trở lên chiếm gần 50%, TCT hiện được đánh giá là có đội ngũ lao động, quản lý có năng lực vượt trội so với một số đơn vị phát điện khác, có chuyên môn chuyên sâu, chín mùi và tốt nhất trong ngành; với kinh nghiệm lâu năm và chuyên nghiệp trong thị trường điện và là nguồn cung cấp nhân lực từ trực tiếp đến quản trị viên cấp cao cho nhiều nhà máy điện, tuy nhiên hoạt động của CTCP về trung - dài hạn mang tính cạnh tranh cao ngay cả trong nội bộ doanh nghiệp cổ phần, yêu cầu chất lượng lao động - năng suất lao động ngày càng cao (mục tiêu trong top 3, bằng hoặc cao hơn các nước khu vực ASEAN) nên TCT đã liên tục tổ chức các chương trình đào tạo, huấn luyện về chuyên môn kỹ thuật, chuyên môn quản trị doanh nghiệp,… trong và ngoài nước; yêu cầu người lao động không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, kỹ năng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đến nay có thể nói NLĐ đã sẵn sàng cho mọi thách thức.

Đối với riêng lao động là cán bộ quản lý: Tổng số cán bộ giữ chức vụ từ Trưởng phòng/QĐ phân xưởng trở lên trong toàn TCT là 135 người chiếm khoảng 3% tổng số CBCNV toàn TCT và 100% cán bộ có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Trong đó, trên đại học chiếm 18,6%, đại học chiếm 81,4%. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đã được đào tạo chính quy trong và ngoài nước, có kinh nghiệm, luôn chủ động và có trách nhiệm cao trong công việc, luôn tự học hỏi và đáp ứng yêu cầu công việc ngang tầm của TCT; có khả năng giải quyết các tình huống phức tạp, khó khăn xuất hiện trong quản lý, vận hành, sửa chữa HTĐ, đặc biệt là giải quyết các sự kiện phức tạp trong quản lý đầu tư, quan hệ với đối tác, nhà thầu để đạt đến mục tiêu cuối cùng, hiệu quả nhất của dự án.

Chúng tôi tin tưởng vững chắc, với năng lực và nguồn lực quản trị tiên tiến đang sở hữu cùng với việc chuẩn bị nhân sự có tâm, đúng tầm cho công tác CPH sẽ là chìa khóa và động lực chủ đạo cho TCT hoàn thành mục tiêu CPH và TCT- CTCP sẽ hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, nhà đầu tư, NLĐ và xã hội trong việc giải bài toán CPH ngành năng lượng và thực hiện thành công thị trường điện tại Việt Nam, tạo nền tảng phát triển bên vững cho Việt Nam theo thiết chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


PV