EVNNPT hoàn thành trước tiến độ 7 nhiệm vụ chuyển đổi số

Trong năm 2021, EVNNPT đã hoàn thành 112/106 nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số năm; trong đó hoàn thành trước tiến độ 7 nhiệm vụ thuộc kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, trong năm 2021, EVNNPT đã hoàn thành 112/106 nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số năm; trong đó hoàn thành trước tiến độ 7 nhiệm vụ thuộc kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025.

Các truyền tải điện họp trực tuyến qua ứng dụng zoom. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Các truyền tải điện họp trực tuyến qua ứng dụng zoom. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Theo đó, Tổng công ty đã triển khai hệ thống văn phòng số (D-Office) thống nhất toàn Tổng công ty đến đơn vị cấp 4, đã ứng dụng D-Office để thực hiện các nghiệp vụ như: Thẩm định dự án đầu tư, Thẩm định Hồ sơ thầu, Thẩm định Quyết toán, Giấy đề nghị chuyển tiền....

Đồng thời đưa vào sử dụng chính thức phần mềm Thư viện tài liệu. Hiện nay phần mềm đã có gần 350.000 tài liệu kỹ thuật và gần 1.000 văn bản pháp quy toàn Tổng công ty.

Cùng với sử dụng các công nghệ họp trực tuyến để tổ chức các cuộc họp, các buổi đào tạo của Tổng công ty với hơn 800 cuộc họp trực tuyến, Tổng công ty còn chỉ đạo thực hiện các gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi qua mạng; các hồ sơ đã được xử lý/lưu trữ qua điện tử và số hóa.

Tổng công ty cũng triển khai Hệ thống phần mềm IMIS 2.0 và nhật ký điện tử, triển khai thành công trạm biến áp 220 kV Thủy Nguyên, trạm biến áp số đầu tiên tại Việt Nam; lắp đặt camera giám sát và thử nghiệm tích hợp AI trên hệ thống camera giám sát đường dây truyền tải điện, triển khai số hóa bản đồ lưới điện hiện trạng 220kV-500kV.  

Bên cạnh đó, EVNNPT còn triển khai sử dụng Camera giám sát thi công các công trình đầu tư xây dựng, thí điểm sử dụng phần mềm Gantter để quản lý tiến độ các dự án lưới điện giải tỏa công suất cụm Vân phong; Triển khai việc xây dựng đề án mô hình thông tin công trình (BIM) cho các dự án trạm biến áp (TBA) Duy Xuyên và TBA 220 kV Krông Ana và đấu nối.

Riêng phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS) đã hoàn thành cập nhật dữ liệu thiết bị và triển khai quy trình sửa chữa bảo dưỡng theo CBM cho máy biến áp và máy cắt.

Đồng thời triển khai 4 hệ thống phần mềm chính phục vụ quản lý, vận hành lưới điện đó là: Hệ thống quản lý đường dây truyền tải điện, Hệ thống quản lý trạm biến áp bằng thiết bị thông minh, Hệ thống quản lý thí nghiệm, Hệ thống quản lý an toàn, Hệ thống Quản lý sửa chữa lớn.

Ngoài ra, EVNNPT đã chủ động thực hiện các hệ thống điều khiển tích hợp SICAM PAS của SIEMENS, Zenon của COPADATA, SurvalentOne của Survalent, MicroSCADA của ABB và đang tiếp tục nghiên cứu làm chủ các hệ thống DS Agile của GE, PACiS của ALSTOM và PCS9700 của Nari. 

Hiện Tổng công ty đang tập trung triển khai thực hiện Chiến lược “Ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040” cùng các Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại EVNNPT”, “Lưới điện thông minh của EVNNPT”.

Cùng với đó, Tổng công ty đã hoàn thành các dự án và đề án: Trạm biến áp số; Giám sát nhiệt động đường dây, Mô hình thông tin công trình; Hệ thống an toàn, an ninh thông tin; Thiết bị bay không người lái và nghiên cứu ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh; Hệ thống giám sát thiết bị nhất thứ. 

Tổng công ty cũng áp dụng rộng rãi các chương trình phần mềm quản lý như các chương trình ERP, Quản lý kỹ thuật, Phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu đo đếm từ xa và theo dõi, phân tích tổn thất điện năng, Quản lý dự án đầu tư xây dựng; triển khai báo cáo điện tử, chữ ký điện tử và D-office trong toàn EVNNPT; hoàn thành chuyển đổi 107 TBA điều khiển xa. 

EVNNPT đang tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin để đưa vào sử dụng trong thời gian tới như: Chương trình quản lý tài sản, Chương trình quản lý thông tin bản đồ GIS, Hệ thống cơ sở dữ liệu dựa trên mô hình thông tin chung (CIM), phần mềm quản lý an toàn EVNNPT... 

Năm 2022, Tổng công ty tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 và giai đoạn 2022-2025 theo lộ trình đã được phê duyệt, đặc biệt là chuyển đổi số trong quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, quản lý: tài sản, vật tư thiết bị, nguồn vốn.  

Cụ thể, EVNNPT tập trung hoàn thành các đề án, dự án thành phần của Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại EVNNPT, Đề án lưới điện thông minh của EVNNPT; Tiếp tục triển khai áp dụng các công nghệ và thiết bị mới, hiện đại trong quá trình quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành.

Đẩy mạnh ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera giám sát và ứng dụng AI vào quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng, giám sát vận hành đường dây và TBA truyền tải. Đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sang TBA không người trực theo kế hoạch được giao. 

Bên cạnh đó, Tổng công ty nghiên cứu và tăng cường ứng dụng các giải pháp giám sát và giám sát trực tuyến tình trạng vận hành của các thiết bị chính trên lưới điện thời gian thực, giám sát nhiệt động đường dây;

Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp giám sát thông tin về hành lang, các công trình trên lưới, trào lưu công suất theo khu vực địa lý, tình hình thời tiết tại các TBA và ở những khu vực có đường dây đi qua; Nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi hệ thống điều khiển tích hợp TBA do EVNNPT làm chủ để triển khai tại các TBA của Tổng công ty.

Tổng công ty cũng nghiên cứu, đánh giá chuyển đổi sang TBA số với lộ trình phù hợp; Từng bước triển khai chương trình giám sát trực tuyến máy biến áp tùy theo mức độ quan trọng cung cấp điện; Từng bước số hóa công tác quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật lĩnh vực trạm biến áp và đường dây.

Mặt khác, Tổng công ty tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp Phần mềm an toàn để áp dụng phù hợp, hiệu quả với điều kiện thực tiễn của EVNNPT và các quy định mới về an toàn; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng sự phát triển của EVNNPT trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra, EVNNPT còn đẩy mạnh các hoạt động, chương trình hợp tác Quốc tế để tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến; Tăng cường sử dụng, khai thác tối đa các điều khoản về chuyển giao công nghệ, đào tạo trong các hợp đồng mua sắm vật tư thiết bị, đảm bảo làm chủ công nghệ sau khi tiếp nhận và tự nâng cấp, mở rộng khi cần thiết, tránh lệ thuộc vào nhà cung cấp.

PV