Gặp lại doanh nhân “đêm trước đổi mới”

Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), tháng 7/1983 đã diễn ra hội nghị các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước lắng nghe giám đốc một số nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trình bày nguyện vọng tháo bỏ các rào cản.

Trong thời gian "đêm trước đổi mới" (1980-1986), đất nước ta chồng chất khó khăn. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đè nặng lên vai những nhà quản lý. Bài toán giá-lương-tiền đặt giám đốc của các doanh nghiệp phải tự mày mò tìm lối thoát, lo cho sản xuất phát triển, hàng hóa được lưu thông, đời sống người lao động được cải thiện.... Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), tháng 7-1983, diễn ra hội nghị các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước lắng nghe giám đốc một số nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trình bày nguyện vọng tháo bỏ các rào cản.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao như: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Thường trực Ban Bí thư Võ Chí Công... Gần 40 năm đã trôi qua, hầu hết các đại biểu ở hội nghị đó đã trở thành người thiên cổ. Ông Lê Đình Thụy, doanh nhân-đại biểu dự hội nghị, năm nay đã sang tuổi 90. Bên bàn trà nơi xứ Huế quê ông, chúng tôi đã có dịp trò chuyện, ôn lại chuyện xưa...

PV: Thưa ông, được biết sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được giao nhiệm vụ trở về miền Nam quản lý và vận hành một nhà máy do chế độ cũ để lại, bối cảnh lúc đó như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Đình Thụy: Đó là những năm hết sức khó khăn. Sau ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi là cán bộ quản lý các nhà máy, xí nghiệp ở miền Bắc, nhận nhiệm vụ Đảng giao, vào tiếp nhận, khôi phục những cơ sở công nghiệp của chế độ cũ vốn bị tàn phá bởi chiến tranh. Thiếu điện, thiếu nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là thiếu một cơ chế có thể thúc đẩy sức sản xuất cho doanh nghiệp.

PV: Thưa ông, ông có nói đến thiếu cơ chế, cơ chế cụ thể ở đây là gì?

Ông Lê Đình Thụy: Bối cảnh lúc đó là chúng tôi làm cái gì cũng phải xin ý kiến, mà xin thì không có, xin thì không cho. Ví dụ như nhà máy của chúng tôi muốn sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao phải có nguyên liệu, phụ liệu của nước ngoài mà không được tự chủ nhập khẩu. Muốn nhập khẩu thì phải có ngoại tệ, nhưng Nhà nước chưa cân đối ưu tiên, do những nhu cầu thiết yếu khác... Khi đi vay (mua trả chậm) phải được ngân hàng bảo lãnh. Từ những khó khăn đó nên sản xuất điêu đứng, nhà máy bên bờ vực phá sản.

PV: Trước tình hình đó, ông đã có những kiến nghị, giải pháp đột phá gì?

Ông Lê Đình Thụy: Tôi được hai lần đến gặp, trình bày những khó khăn mà nhà máy tôi nói riêng, các nhà máy khác nói chung trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gặp phải, với Bí thư Thành ủy lúc đó là đồng chí Võ Văn Kiệt. Sau khi nghe tôi trình bày những khó khăn khiến sản xuất đình trệ, đời sống cán bộ, công nhân viên sa sút, đồng chí Võ Văn Kiệt khích lệ: "Anh cứ đề xuất cụ thể, cá nhân tôi và tập thể Thành ủy, UBND Thành phố sẽ ủng hộ tối đa". Tôi nói rất thẳng thắn: "Cần cho chúng tôi cơ chế tự chủ, chứ làm mà cái gì cũng xin xỏ, cái gì cũng chờ đợi cấp trên thì khó và không làm được".

doi moi
Đồng chí Võ Văn Kiệt (bên trái) trao thưởng tặng ông Lê Đình Thụy. Ảnh tư liệu 

Khi được gợi ý, tôi đã đề xuất: Xin UBND Thành phố cho phép xuất khẩu tại chỗ, bằng cách đưa sản phẩm vào các khách sạn của Tổng cục Du lịch để bán và thu ngoại tệ từ khách nước ngoài. Xin cho chúng tôi quyền quyết định lựa chọn nhân sự quản lý nguồn nhân lực, ai giỏi thì được trọng dụng, được hưởng lương, thưởng cao. Chúng tôi cũng mạnh dạn xin được tự chủ về ngoại tệ (được mua vàng, ngoại tệ) để nhập khẩu nguyên liệu cao cấp phục vụ sản xuất hàng hóa.

Sau khi nghe tôi trình bày, đồng chí Võ Văn Kiệt nói cho phép tôi được làm thí điểm trong nhà máy do tôi đứng đầu và chờ kết quả từ thực tế. Ông hẹn cuối năm sẽ đến thăm nhà máy. Lúc đó, tôi như được mở tấm lòng, bao nhiêu khó khăn dồn nén bấy lâu như được cởi trói. Tôi về họp lãnh đạo nhà máy, giao cho các bộ phận chức năng xây dựng kế hoạch chương trình sản xuất cuối năm. Gọi phòng tổ chức mời lại những kỹ sư, thợ bậc cao của chế độ cũ; xây dựng bảng lương, thưởng; giao cho bộ phận kế hoạch-đầu tư đi mua, vay ngoại tệ; phát động chiến dịch thi đua nước rút 60 ngày cuối năm 1980 để được đón đồng chí Bí thư Thành ủy về thăm.

Trong những ngày tháng đó, không khí sản xuất ở nhà máy vô cùng sôi động. Có nguyên phụ liệu nhập ngoại về, các dây chuyền sản xuất trước đây bị “ngủ quên”, khi ấy đã hồi sinh. Chất lượng hàng hóa được chủ động đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Lương, thưởng tăng cao gấp 2, 3 lần cơ chế cũ. Làn gió đổi mới đã thổi vào từng ca, kíp, từng dây chuyền sản xuất... lan tỏa ra toàn nhà máy. Ai ai cũng vui.

Ngày cuối cùng của năm 1980, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đến thăm và chúc mừng nhà máy. Ông đã ký tên vào sản phẩm cuối cùng trên dây chuyền sản xuất chiều hôm ấy. Sự kiện đó đã đánh giá, khẳng định một thời kỳ mới đã mở ra cho nhà máy chúng tôi và nhiều nhà máy khác trên địa bàn thành phố.

doi moi 1
Ông Lê Đình Thụy và nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang. Ảnh: TIẾN PHÚ 

PV: Được biết, đến năm 1986, nhờ cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp, các rào cản từng bước được gỡ bỏ, hiệu quả đem lại cho nhà máy nơi ông công tác là gì?

Ông Lê Đình Thụy: Các dây chuyền bị đắp chiếu, sau khi được cởi trói, mức sản xuất đã đạt đỉnh, liên tục phá kỷ lục. Cụ thể ở nhà máy của tôi, mức sản xuất năm 1990 tăng gấp đôi so với năm 1986. Chúng tôi được tự cân đối ngoại tệ bằng việc xuất khẩu tại chỗ-bán sản phẩm cho các công ty du lịch có ngoại tệ. Có xuất khẩu, có ngoại tệ, chúng tôi chủ động trang bị loại máy móc mới. Công suất lại tăng lên 2,5-3 lần. Chính sách đổi mới của Đảng, Chính phủ ngày càng hoàn thiện, không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động mà còn chống được nạn "chảy máu ngoại tệ" do những tiêu cực có từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.

PV: Trong cuộc đời làm doanh nhân doanh nghiệp nhà nước, kỷ niệm nào làm ông ấn tượng nhất?

Ông Lê Đình Thụy: Giữa bề bộn những thăng trầm trong cuộc đời làm cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước, điều làm tôi sung sướng, xúc động nhất là luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo từ cấp cao nhất của đất nước. Ví dụ như cuộc gặp tại hội nghị ở Đà Lạt với các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công. Lãnh đạo thành phố cũng nhiều lần trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của tôi và giới doanh nhân. Các đồng chí lãnh đạo TP Hồ Chí Minh rất sâu sát doanh nghiệp, không chỉ nghe mà còn xuống tận xí nghiệp gặp gỡ công nhân và cán bộ quản lý chúng tôi để tìm hiểu tình hình thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều cuộc các đồng chí xuống dự định chỉ làm việc một giờ đồng hồ thì làm cả buổi. Có cuộc với đồng chí Võ Văn Kiệt kéo dài cả ngày hôm trước sang hôm sau. Tôi nghĩ, tác phong gần gũi, lắng nghe cơ sở của các đồng chí đó trở thành nguồn động viên, cổ vũ giới doanh nhân thành phố và cá nhân tôi. Dù tôi đã nghỉ hưu mấy chục năm nhưng vẫn không quên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư: “Hội nghị tại Đà Lạt năm 1983 có tác động rất lớn vào tư duy của đồng chí Trường Chinh. Ông nhận thấy vấn đề không chỉ là một vài cách thức quản lý kém hiệu quả mà đã đến lúc phải xem lại cả hệ thống quan điểm về quản lý kinh tế. Về Hà Nội, ông lập tức mời nhiều nhà khoa học đến để nghe suy nghĩ về phương hướng đổi mới”.

THANH QUANG - TIẾN PHÚ (thực hiện)