Giá dầu chốt phiên giao dịch đêm 2/9 (sáng nay theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giảm còn 58,6 USD/thùng, giá dầu WTI giảm xuống còn 54,9 USD/thùng.
Giá dầu Thế giới giảm mạnh sau khi các mức thuế mới mà Mỹ và Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa của nhau làm dấy lên những quan ngại về tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu thế giới.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã có những nỗ lực nhằm trấn an thị trường tài chính, nói rằng các cuộc thảo luận giữa hai nước vẫn diễn ra tích cực và một vòng đàm phán trực tiếp sắp diễn ra. Tuy nhiên, theo nguồn tin, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa nhất trí được những điểm căn bản để nối lại đàm phán và sự nghi ngờ lẫn nhau đang ở mức cao.
Hiện Mỹ và Trung Quốc chưa nhất trí được về một ngày cụ thể để các nhà đàm phán Trung Quốc tới Washington dự họp - nguồn tin nói, nhưng cũng cho biết thêm rằng đây chưa hẳn là một dấu hiệu cho thấy kế hoạch đàm phán sẽ bị hủy. Theo nhà phân tích Harry Tchilinguirian của BNP Paribas, cho dù ông Trump cho rằng các cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra theo dự kiến, thì thị trường dầu vẫn phải “chịu đựng” tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc và đang chờ đợi hành động hỗ trợ nền kinh tế trong nước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Stephen Innes, chiến lược gia thị trường APAC tại AxiTrader, cho biết tăng thuế quan là không thể lờ đi các thị trường dầu mỏ, do đó, trong khi những bất ổn thương mại vẫn tồn tại, thì sẽ rất khó để dầu mỏ xóa tan mối lo ngại đối với nhu cầu toàn cầu.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC đã tăng trong tháng 8/2019, tháng đầu tiên trong năm nay khi nguồn cung nhiều hơn từ Iraq và Nigeria vượt xa sự hạn chế của nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia và tổn thất do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết nước này đặt mục tiêu tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong tháng 9/2019.
Sản lượng dầu từ OPEC tăng trong tháng 8/2019, tăng lần đầu tiên trong năm nay do nguồn cung tăng từ Iraq và Nigeria vượt qua sự hạn chế của nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia và tổn thất bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. OPEC, Nga và các thành viên ngoài OPEC được gọi là OPEC+ hồi tháng 12/2018 đã đồng ý giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ 1/1/2019. Trong đó, OPEC cắt giảm 800.000 thùng/ngày phân cho 11 nước thành viên ngoại trừ Iran, Libya và Venezuela. Trong khi đó, các công ty năng lượng của Mỹ cũng giảm số giàn khoan hoạt động trong tháng thứ 9 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018. Theo báo cáo công bố ngày 30/8 của Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm trong tháng 6/2019, tháng giảm thứ 2 liên tiếp.