Giá dầu thô 2/2: Vượt 83 USD/thùng khi đồng USD suy yếu

Sáng nay ngày 2/2, giá dầu thô Brent tăng lên mức trên 83 USD/thùng trong bối cảnh đồng USD suy yếu khi FED nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm cơ bản
Diễn biến giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI kể từ đầu tháng 1/2023 đến nay. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 10h00 sáng nay (2/2), giá dầu thô Brent giao tháng 3/2023 tăng nhẹ 0,63% lên 83,34 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 2/2023 cũng tăng 0,72% lên 76,97 USD/thùng.

Thị trường dầu thô nói riêng và thị trường hàng hoá thế giới đang được nâng đỡ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) quyết định nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm phần trăm cơ bản. Mức nâng lãi suất này thấp hơn mức nâng 50 điểm cơ bản hồi tháng 12/2022 và thấp hơn đáng kể mức 75 điểm cơ bản trong các lần nâng lãi suất trước đó trong năm 2022. Động thái nâng lãi suất lần này của FED cũng đúng như dự báo của thị trường.

Điều này khiến đồng USD giảm xuống so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, qua đó giúp các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên “rẻ hơn” với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.

Dữ liệu của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy chỉ số Dollar Index, đo lường sự biến động giữa đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới đã giảm 0,3%, xuống mức 101.15 điểm trong phiên giao dịch sáng nay. Mặc dù FED chưa phát ra bất kỳ tín hiệu nào về việc sẽ ngừng tăng lãi suất trong thời gian tới nhưng Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định “quá trình giảm lạm phát” tại Hoa Kỳ đã bắt đầu.

Giá dầu thô còn được nâng đỡ trong bối cảnh các biện pháp cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/2 tới đây. Biện pháp cấm vận này có thể khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường trở nên nghiêm trọng hơn. Dự kiến các quốc gia EU sẽ họp bàn về biện pháp áp đặt trần giá đối với dầu thô Nga vào cuối tuần này.

Theo đề xuất của Uỷ ban châu Âu (EC), EU sẽ áp đặt trần giá 100 USD/thùng đối với các sản phẩm chế xuất từ dầu mỏ có nhu cầu cao như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm có giao dịch thấp như dầu nhiên liệu từ Nga. Hồi tháng 12/2022, các nền kinh tế G7, EU và Australia đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng.

Dữ liệu cho thấy các tàu chở dầu phương Tây đang đẩy mạnh việc vận chuyển dầu thô từ Nga trước khi các biện pháp cấm vận mới được áp dụng. Lượng dầu thô xuất khẩu của Nga trong tháng 1/2023 có thể đạt mức cao kỷ lục, trên 9,5 triệu tấn.

Quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đồng minh (liên minh OPEC+) cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu tăng lên. Sản lượng của OPEC đã giảm xuống trong tháng 1/2023 do sự suy yếu sản lượng của Iraq và hoạt động khai thác của Nigeria chưa phục hồi.

Tường Vy