Giá dầu thô 27/9: OPEC+ có thể chặn đà giảm của giá dầu thô hiện nay

Giá dầu thô phục hồi nhẹ trong sáng nay (27/9) khi một số nhà đầu tư kỳ vọng OPEC+ sẽ can thiệp thị trường, chặn đà giảm của giá dầu thô hiện nay.
Giá dầu thô thế giới hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 27/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 tăng 0,47% lên 84,53 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 tăng 0,4% lên 77,10 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 26/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm 2,4% xuống còn 84,06 USD/thùng, giá dầu thô WTI cũng giảm 2,3%  xuống còn 76,71 USD/thùng. Giá hai loại dầu thô chủ chốt trên thế giới hiện đã chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1 đến nay.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm chủ yếu từ việc đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới. Trong phiên giao dịch ngày 26/9, chỉ số US Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên toàn cầu, đã có lúc đạt 114,58 điểm - mức cao nhất kể từ hồi tháng 5/2002. Điều này khiến đồng bảng Anh (GBP) rơi xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử khi  1 GBP chỉ đổi được 1,0327 USD. Đồng Euro (EUR) cũng thiết lập mức đáy mới trong vòng 20 năm trở lại đây.

Hàng loạt đồng tiền khác nằm ngoài rổ tiền tệ US Dollar Index như đồng dollar Australia, peso Philippines, rupee Ấn Độ, won Hàn Quốc… cũng mất giá mạnh so với đồng USD.  

Đồng USD mạnh lên khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô như dầu thô vốn được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ, kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ loại tiền tệ khác.

Ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách thị trường năng lượng giao sau tại hãng chứng khoán Mizuho (Nhật Bản), nhận định “Tình thế hiện nay rất khó để kỳ vọng giá dầu thô sẽ phục hồi trở lại khi đồng USD tăng giá mạnh đang khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn.”

Bên cạnh đó, giới đầu tư toàn cầu còn lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng lớn hơn khi hàng loạt ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang gấp rút nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát cũng như thích nghi với bối cảnh mức lãi suất tại Hoa Kỳ hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 15 năm. Tăng trưởng kinh tế suy giảm đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ yếu đi.

Thị trường hiện tập trung quan sát các động thái của liên minh OPEC+ khi liên minh này chuẩn bị nhóm họp vào ngày 5/10 tới đây để quyết định chính sách khai thác dầu thô mới. Một bộ phận nhà đầu tư kỳ vọng OPEC+ sẽ can thiệp thị trường nhằm ngăn chặn đà sụt giảm hiện nay của giá dầu thô.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria ông Timipre Sylva vừa cho biết khối OPEC có thể cân nhắc giảm sản lượng khai thác khi mức giá dầu thô hiện nay đang ảnh hưởng đến cán cân ngân sách  của một số quốc gia thành viên trong khối.

Irraq cũng cho biết OPEC+ đang theo dõi sát tình hình biến động của giá dầu thô và liên minh này sẽ duy trì sự cân bằng trên thị trường. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq ông Ihsan Abdul Jabbar cho biết “Chúng tôi không muốn giá dầu thô sụt giảm mạnh cũng như thị trường dầu mỏ sụp đổ.”

Trước đó, Saudi Arabia đã nhiều lần phát tín hiệu cho thấy khối OPEC có thể giảm sản lượng khai thác để ngăn chặn tình trạng giá dầu thô giảm trên thị trường tương lai và nhấn mạnh diễn biến giá trên thị trường tương lai đang không phản ánh đúng thực trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường giao ngay.

Trong phiên họp đầu tháng này, OPEC+ đã bất ngờ quyết định giảm sản lượng khai thác 100.000 thùng/ngày trong tháng 10, đánh dấu đợt giảm sản lượng đầu tiên của liên minh này trong năm nay.

Tường Vy