Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 76,86 USDD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 72,67 USD/thùng.
Giá dầu thô bật tăng sau khi Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cho biết sẽ giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới đây, đưa sản lượng khai thác của nước này xuống chỉ còn 9 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Hành động của Saudi Arabia được đưa ra sau phiên họp kéo dài hàng giờ với các thành viên khác của liên minh OPEC+ trong ngày 4/6. OPEC+ cũng cho biết quyết định trên là hành động tự nguyện của Saudi Arabia, các quốc gia còn lại trong liên minh tiếp tục cam kết sẽ duy trì sản lượng như hiện tại cho tới cuối năm 2024.
Liên minh OPEC+, gồm 13 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và 10 quốc gia khai thác dầu thô ngoài khối OPEC do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 40% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích nhận định OPEC+ sẽ không thay đổi chính sách khai thác bất chấp việc giá dầu thô sụt giảm đáng kể thời gian gần đây. Liên minh này sẽ cần thời gian để đánh giá tình hình cung - cầu thị trường sau khi cắt giảm mạnh sản lượng khai thác kể từ đầu tháng 5 vừa qua.
Việc Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm mạnh sản lượng khai thác sẽ khiến nguồn cung dầu thô trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn trong nửa cuối năm nay. Theo dự báo gần nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ bắt đầu thiếu hụt nguồn cung ngay từ quý 2 này và mức thiếu hụt sẽ gia tăng dần, lên đến 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, tương đương gần 2% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh giá dầu thô hiện nay không phản ánh đúng triển vọng căng thẳng cung - cầu dầu trong nửa cuối năm nay khi OPEC+ vẫn hạn chế sản lượng khai thác.
Theo tính toán của hãng tin Reuters, tổng lượng khai thác thác dầu thô được các quốc gia thành viên OPEC+ cắt giảm hiện đạt 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Giới quan sát nhận định, với vị thế là quốc gia lãnh đạo chủ chốt của OPEC+, việc tự nguyện cắt giảm là bước đi táo bạo của Saudi Arabia nhằm đảm bảo sự ổn định của liên minh và thể hiện sự nhượng bộ của nước này với 2 thành viên quan trọng khác là Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Trước thềm phiên họp định kỳ của OPEC+, Saudi Arabia đã phát tín hiệu cho biết có thể cân nhắc giảm sản lượng khai thác khi giá dầu thô xuống mức thấp. Tuy nhiên, Nga lại nhận định giá dầu thô hiện đã “hợp lý về mặt kinh tế” và kỳ vọng OPEC+ sẽ giữ nguyên chính sách khai thác như hiện tại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Saudi Arabia cần giá dầu thô ở mức 80,9 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong năm nay.
Hiện thị trường tập trung đánh giá tác động từ hành động giảm sản lượng khai thác của Saudi Arabia cũng như quan sát các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) khi cơ quan này chuẩn bị họp định kỳ vào ngày 13 – 14/6 tới đây. Hiện công cụ FedWatch của CME Group cho thấy các thị trường tài chính đánh giá có hơn 78% xác suất FED sẽ giữ nguyên mức lãi suất như hiện tại.