Trong phiên giao dịch ngày 5/6, giá dầu thô Brent đã có lúc bật tăng tới 5% sau khi Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, thông báo tự nguyện giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới đây để bình ổn thị trường dầu mỏ. Mức cắt giảm này tương đương với khoảng 10% tổng sản lượng khai thác hiện nay của nước này. Theo đó, sản lượng khai thác dự kiến của Saudi Arabia trong tháng 7 sẽ chỉ ở mức 9 triệu thùng/ngày – mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Các thành viên còn lại trong liên minh OPEC+ cũng cam kết duy trì mức cắt giảm như hiện tại cho đến cuối năm 2024. Tổng lượng khai thác thác dầu thô được các quốc gia thành viên OPEC+ cắt giảm hiện đạt 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết việc cắt giảm sản lượng khai thác của nước này “có thể được gia hạn” nếu cần thiết. Hoàng tử Abdulaziz bin Salman khẳng định "sẽ làm mọi thứ cần thiết để đem lại sự ổn định cho thị trường năng lượng" trong bối cảnh giá dầu phải chịu áp lực lớn từ những dự báo kinh tế không tích cực tại nhiều quốc gia, tiêu biểu là Trung Quốc.
Liên minh OPEC+, gồm 13 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và 10 quốc gia khai thác dầu thô ngoài khối OPEC do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 40% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng động thái của Saudi Arabia nói riêng và của liên minh OPEC+ nói chung sẽ khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt hơn đáng kể, giúp thiết lập mức giá sàn của dầu thô ở vùng giá 70 USD/thùng. Dù vậy, việc Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác sẽ chưa kéo giá dầu thô lên cao ngay lập tức do lượng hàng tồn kho hiện nay sẽ phải mất một thời gian nữa mới sụt giảm.
Chuyên gia phân tích Helima Croft từ tập đoàn tài chính RBC Capital (Canada) cho biết: “Saudi Arabia có truyền thống thực hiện đúng mức cắt giảm đã cam kết. Vì thế, chúng tôi (RBC Capital) dự báo nguồn cung trên thị trường thế giới sẽ mất đi 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7, nâng mức giảm thực tế của OPEC+ lên gấp đôi so với mức giảm công bố hồi tháng 10/2022”.
Chuyên gia phân tích Vivek Dhar thuộc tập đoàn ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (Australia) cho biết với việc Saudi Arabia tìm cách bảo vệ giá dầu để giá mặt hàng năng lượng này không xuống quá thấp, giá dầu thô Brent có thể đạt mức 85 USD/thùng trong quý 4/2023 kể cả khi nhu cầu tại Trung Quốc ở mức yếu. Theo tính toán gần nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Saudi Arabia cần giữ giá dầu thô ở mức 80,9 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong năm nay.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) dự báo giá dầu thô Brent vào cuối năm nay sẽ đạt 95 USD/thùng. Thậm chí, tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) cho rằng giá dầu thô Brent có thể lên đến 100 USD/thùng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô thế giới có thể bị kìm hãm trong ngắn hạn, cho đến khi các dấu hiệu thiếu cung trên thị trường vật chất xuất hiện.
Hồi tháng 10/2022, liên minh OPEC+ quyết định giảm sản lượng khai thác ở mức 2 triệu thùng/ngày. Đến tháng 4/2023, liên minh này bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm 1,6 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ đầu tháng 5/2023.
Tuy nhiên, giá dầu thô hiện nay vẫn đang thấp hơn mức giá trước tháng 4/2023 khi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu, đặc biệt là từ Trung Quốc, ở mức yếu. Tính chung cả tháng 5 vừa qua, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đã lần lượt giảm 8,8% và 11%.