Vào lúc 10h00 sáng nay ngày 4/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 tiếp tục lao dốc 0,85% xuống chỉ còn 81,25 USD/thùng, gần như xoá sạch đà tăng trong vòng 3 tuần trở lại đây. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 12/2021 cũng giảm mạnh 0,91% xuống còn 79,88 USD/thùng. Đây đều là những mức giảm mạnh nhất trong phiên giao dịch của giá dầu thô thế giới kể từ hồi đầu tháng 8 đến nay.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh sau khi dữ liệu chính thức của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng mạnh 3,3 triệu thùng lên mức 434,1 triệu thùng. Con số tăng thêm này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,2 triệu thùng của thị trường. Dữ liệu cũng cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tăng cao chủ yếu do sản lượng khai thác dầu của Hoa Kỳ đã tăng mạnh, đạt 11,5 triệu thùng/ngày.
Việc giá dầu thô tăng cao liên tục trong giai đoạn vừa qua đã khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tại Hoa Kỳ mở rộng khai thác, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến. Trong ngày 2/11, tập đoàn dầu khí BP cho biết sẽ nâng mức đầu tư cho khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ trong năm sau từ 1 tỷ USD lên 1,5 tỷ USD. Tập đoàn Exxon cũng cho biết sẽ sản lượng khai thác dầu đá phiến trong quý trước đã tăng thêm 30% lên 500.000 thùng/ngày và có thể mở khai thác thêm 2 giếng dầu mới. Trong khi đó, tập đoàn Chevron sẽ tăng thêm 2 giàn khoan trong những tháng cuối năm nay nhằm tăng thêm sản lượng trong đầu năm 2021.
Trước đó, giới phân tích cảnh báo liên minh OPEC+ có thể sẽ nâng thêm sản lượng khai thác để đảm bảo thị phần nếu như sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ tăng lên.
Hiện liên minh OPEC+ vẫn đang giữ nguyên quyết định chỉ nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 tới đây bất chấp sức ép ngày càng tăng từ các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản. Liên minh OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp trong ngày 4/11 (theo giờ địa phương) để đưa ra chính sách khai thác dầu thô trong thời gian tới.
Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô do Nga đứng đầu, đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Giá dầu thô còn chịu áp lực giảm sau khi Iran và 6 cường quốc hạt nhân trên thế giới thông báo sẽ nối lại các cuộc đàm phán về thoả thuận hạt nhân của Iran kể từ ngày 29/11 tới đây. Iran hiện yêu cầu Hoa Kỳ phải dỡ bỏ các biện pháp cấm vận nhắm đến hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này.
[Quảng cáo]