Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất 12 năm trở lại đây

Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng vọt lên mức cao nhất 12 năm trở lại đây trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh nhưng doanh nghiệp tạm thời chưa ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới.

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh

Trong tuần vừa qua, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng vọt lên mức 550 - 575 USD/tấn, từ mức 515 – 525 USD/tấn của trung tuần tháng 7. Đây đang là mặt bằng giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây của gạo Việt Nam.

Một thương nhân xuất khẩu gạo tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Các doanh nghiệp hiện nhận định giá gạo sẽ còn tăng thêm hơn nữa sau khi Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu phần lớn gạo của nước này. Do đó sẽ rất rủi ro nếu ký hợp đồng xuất khẩu mới vào thời điểm hiện tại. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng lại đang tăng mạnh”.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất 12 năm trở lại đây do tình trạng thiếu hụt nguồn cung lớn trên thị trường gạo thế giới sau khi Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu gạo.

Tương tự, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan trong tuần trước đã vọt lên mức 605 – 610 USD/tấn, so với mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận hồi giữa tháng 7. Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây đối với Thái Lan. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết: “Các doanh nghiệp kinh doanh gạo đã bị sốc vì lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đã khiến giá gạo bị đẩy lên cao”.

Vị đại diện này cũng cho biết hiện nguồn cung gạo cho xuất khẩu trên thị trường nội địa Thái Lan rất khan hiếm và khó có thêm nguồn cung mới trong ngắn hạn.

Vào ngày 20/7 vừa qua, Ấn Độ đã ra lệnh tạm dừng xuất khẩu toàn bộ các loại gạo tẻ (vốn chiếm 80% tổng sản lượng xuất khẩu gạo) nhằm ưu tiên đảm bảo nguồn cung và ổn định giá bán lẻ gạo tại thị trường nội địa nước này. Hiện Ấn Độ chưa cho biết lệnh cấm xuất khẩu gạo này sẽ kéo dài đến bao giờ.

Lệnh cấm xuất khẩu này đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ lên mức cao nhất trong gần 6 năm trở lại đây, đạt 445 - 450 USD/tấn, so với mức 421 - 428 USD/tấn được ghi nhận vào trung tuần tháng 7.

Vừa qua, bất chấp giá gạo quốc tế tăng cao, Indonesia đã khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn cung gạo từ các nước, đặc biệt là Việt Nam, nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Dự kiến nước này sẽ nhập khẩu tới 2 triệu tấn gạo trong năm nay – mức nhập khẩu cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Xem thêm: "Giá gạo tăng cao, Indonesia khẳng định sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Dự báo giá gạo xuất khẩu có thể lên đến 700 USD/tấn

Với vị thế là chiếm đến 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo tẻ đang gây gián đoạn thị trường gạo toàn cầu, buộc các quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn gạo từ Ấn Độ phải khẩn cấp tìm kiếm nguồn cung gạo mới. Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng vừa tuyên bố cấm xuất khẩu gạo tạm thời nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.

Giới quan sát nhận định việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.

Nhiều thương nhân quốc tế nhận định giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện cho biết “Ngay sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhiều đối tác đã đề nghị chúng tôi ký hợp đồng dài hạn để đảm bảo nguồn cung nhưng công ty vẫn đang xem xét”.

Bên cạnh đó, một số thương nhân xuất khẩu gạo cho biết họ vẫn đang tập trung lo xử lý các đơn hàng đã ký khi hoạt động xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay tăng mạnh. Một số đơn vị cho biết “gần như vét sạch kho để thực hiện các hợp đồng hiện tại” và buộc phải chờ thu mua lúa gạo vụ mới mới có hàng để giao tiếp. Do đó, việc ký các hợp đồng mới khi giá gạo xuất khẩu trên thị trường còn nhiều biến động sẽ đối mặt rủi ro cao.

Trên thị trường nội địa Việt Nam, giá các mặt hàng gạo cũng đã tăng khá mạnh trong tuần qua. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 12.500 đồng/kg, giá bình quân 12.304 đồng/kg, tăng 754 đồng/kg so với trung tuần tháng 7.

Gạo 15% tấm có giá cao nhất 12.300 đồng/kg, giá bình quân 12.050 đồng/kg, tăng 742 đồng/kg so với trung tuần tháng 7. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.100 đồng/kg, giá bình quân 11.758 đồng/kg, tăng 692 đồng/kg. Đặc biệt, giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh nhất 963 đồng/kg, giá trung bình là 12.500 đồng/kg.

Duy Quang