Giá quặng sắt tăng sau khi Trung Quốc phát tín hiệu tung ra một số biện pháp kích thích kinh tế

Giá quặng sắt tại thị trường Trung Quốc đã tăng lên trong phiên giao dịch ngày 5/5 sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ đưa ra một số chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng thép tại nước này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt, giao ngay tại khu vực phía Bắc Trung Quốc (Đồ hoạ: Mining.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 5/5, giá quặng sắt giao tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) đã tăng 1,9% lên 871,50 Nhân dân tệ (131,74 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch, giá mặt hàng này có lúc chạm mức 881,50 Nhân dân tệ - mức cao nhất kể từ ngày 25/4. Giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt giao ngay tại phía Bắc Trung Quốc cũng tăng 0,79% lên 150,75 USD/tấn.

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng lên sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết có thể đưa ra một số chính sách tiền tệ để “hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bền vững, giải quyết vấn đề việc làm và ổn định giá cả…”.

Tuyên bố của PBoC được đưa ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc cam kết sẽ có các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nước này đang áp dụng nhiều biện pháp phong toả diện rộng nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19. Các biện pháp này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất chế tạo, tiêu dùng, gây tắc nghẽn các cảng biển và khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy.  

Các nhà phân tích nhận định việc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung đối với Trung Quốc đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi nền kinh tế nước này đối mặt với rủi ro suy thoái cao vì các biện pháp phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt. Trong ngày 4/5, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đóng cửa hàng loạt ga tàu điện ngầm, tuyến xe buýt cũng như mở rộng hạn chế tại nhiều địa điểm công cộng khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại đây có dấu hiệu tăng. Thượng Hải – trung tâm kinh tế của Trung Quốc vẫn bị phong toả nghiêm ngặt.

Thị trường hiện kỳ vọng việc Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế sẽ giúp nhu cầu sử dụng thép tại nước này tăng lên trong thời gian tới. Trong khi đó, hãng nghiên cứu thị trường Moody’s Investors Services (Hoa Kỳ) nhận định việc suy yếu hoạt động khai khoáng và căng thẳng nguồn cung sẽ tiếp tục nâng đỡ giá của nhiều kim loại trong năm 2022.

Đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều mỏ khai khoáng lớn tại một số nước, bao gồm Australia và Nam Phi, đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động. Đồng thời, tình trạng thời tiết xấu khiến hoạt động khai khoáng tại Brazil gặp nhiều khó khăn. Brazil, Nam Phi và Australia đều là những quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn trên thế giới.

Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto (Australia) cho biết sản lượng tại khu mỏ Pilbara (Australia) trong quý 1/2022 đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái và sản lượng xuất khẩu quặng của khu mỏ này giảm tới 8% so với cùng kỳ. Pilbara là một trong số những khu mỏ khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới. Tập đoàn khai khoáng hàng đầu thế giới Anglo American (Anh) cũng cho biết sản lượng khai thác của hãng này trong quý 1/2022 đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quỳnh Trang