Giá xăng dầu hôm nay 13/7: Dầu thô vượt ngưỡng 80 USD/thùng, kỳ vọng nhu cầu sử dụng ở mức tích cực

Trong sáng nay, giá dầu thô thế giới đã vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 80 USD/thùng khi lạm phát tại Hoa Kỳ hạ nhiệt, giúp tăng kỳ vọng chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ sắp chấm dứt; đồng thời, nhu cầu sử dụng của Trung Quốc được dự báo vẫn ở mức tốt.

Giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng nay khi dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Hoa Kỳ trong tháng 6/2023 đang có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt, thị trường kỳ vọng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ lần này của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ sớm chấm dứt. Đồng thời, việc giá dầu thô Brent vượt ngưỡng quan trọng 80 USD/thùng cũng giúp củng cố tâm lý thị trường.

Cụ thể, vào lúc 8h00 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 80,22 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 75,83 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent tăng 0,9% và giá dầu thô WTI tăng 1,2%; đây cũng là phiên giao dịch đầu tiên, giá dầu thô Brent chốt phiên trên ngưỡng 80 USD/thùng kể từ hồi tháng 5 vừa qua.

Giá xăng dầu thế giới hôm nay
Xu hướng giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây; giá xăng dầu thế giới được hỗ trợ nhờ thông tin tích cực về lạm phát tại Hoa Kỳ và triển vọng căng thẳng nguồn cung. (Nguồn: Oil Price)

Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 của Hoa Kỳ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ hồi tháng 3/2021. Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và giá năng lượng) trong tháng 6/2023 tại Hoa Kỳ chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mức tăng này đều thấp hơn dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó.

Dữ liệu cho thấy lạm phát tại Hoa Kỳ đang có xu hướng hạ nhiệt rõ rệt sau khi đạt đỉnh vào tháng 6/2022, phản ánh chính sách thắt chặt tiền tệ của FED đã đi đúng hướng. Thị trường hiện kỳ vọng FED sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 01 lần nữa vào cuối tháng này và sau đó dừng tăng để quan sát tác động đến lạm phát và nền kinh tế.

Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ chấm dứt sẽ tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế diễn ra ổn định, mở ra triển vọng tích cực hơn cho nhu cầu sử dụng nhiên liệu, kéo theo đó là triển vọng giá xăng dầu các loại.

Thị trường còn được hỗ trợ nhờ các dự báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đều cho rằng nguồn cung nhiên liệu trên toàn cầu sẽ trở nên căng thẳng hơn trong nửa cuối năm nay, kéo dài đến năm sau.

Xem thêm bài viết: "Lạm phát Hoa Kỳ thấp nhất 2 năm, chu kỳ tăng lãi suất của FED đang đến hồi kết" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

IEA cảnh báo nguồn cung trên thị trường sẽ bị thắt chặt đáng kể khi các nước xuất khẩu lớn như Saudi Arabia và Nga tiếp tục giảm sản lượng khai thác; trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc và các nước đang phát triển vẫn ở mức tốt. IEA sẽ đưa ra báo cáo chi tiết trong tuần này.

Tuy nhiên, đà tăng của giá xăng dầu thế giới phần nào bị kìm hãm khi EIA cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm gần 6 triệu thùng, cao hơn nhiều lần so với các dự báo. Đồng thời, tồn trữ xăng dầu tại nước này không thay đổi mặc dù thị trường đang trong cao điểm tiêu thụ.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu đã được điều chỉnh trong kỳ điều hành ngày 11/7. Ở kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập và không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng dao động không đáng kể, giá dầu neo theo giá thế giới.

Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 51 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.419 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 69 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.497 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S tăng 447 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.616 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 394 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.320 đồng/lít; và giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 665 đồng/kg, ở mức không cao hơn 15.288 đồng/kg.

Tường Vy