Giải pháp chèn mềm bộ sấy không khí kiểu quay tại tổ máy của Nhiệt điện Hải Phòng giúp tiết kiệm hơn 10.000 tấn than/năm.

Sáng 17/02/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để phổ biến về giải pháp chèn mềm bộ sấy không khí kiểu quay áp dụng tại tổ máy số 3 – Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng qua đó nhân rộng cho các nhà máy nhiệt điện trong EVN

Ông Tạ Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Kỹ thuật Sản xuất (KTSX) EVN chủ trì Hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của Ban KTSX EVN; các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3; các NMNĐ Hải Phòng, Phả Lại, Cần Thơ, Vĩnh Tân 4, Thái Bình, Quảng Ninh, Uông Bí, Nghi Sơn, Duyên Hải, Vĩnh Tân 2, Mông Dương, Ninh Bình,…

hình ảnh của buổi hội thảo
Hình ảnh từ hội thảo trực tuyến

Trình bày về "Công nghệ và hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của giải pháp chèn mềm bộ sấy không khí (BSKK) kiểu quay áp dụng tại tổ máy số 3 - Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng" ông Trần Lê Minh - Phó Trưởng Ban KTSX – Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) cho biết chi tiết, sinh động về kết cấu bộ BSKK, lọt gió BSKK, hệ thống chèn kín BSKK, cơ cấu điều chỉnh khe hở tự động BSKK truyền thống (công nghệ SDU), công nghệ chèn mềm BSKK,… cũng như phân tích được ưu điểm vượt trội của công nghệ chèn mềm so với công nghệ chèn truyền thống.

Hiện, công nghệ chèn mềm BSKK đã được ứng dụng, lắp đặt cho khoảng 600 tổ máy nhiệt điện có gam công suất từ 300 MW đến 1000 MW trên toàn thế giới và Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (Nhiệt điện Hải Phòng) là đơn vị tiên phong đầu tiên tại Việt Nam đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu để áp dụng công nghệ này để mang lại lợi ích về kinh tế, kỹ thuật cho nhà máy.

Theo kết quả đánh giá hiệu quả sau khi lắp đặt chèn mềm tại tổ máy S3 – NMNĐ Hải Phòng của Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc (Đơn vị độc lập đo kiểm tra độ lọt gió) BSKK 3A là 5,08%, BSKK 3B là 5,37%, giảm lần lượt 8,72%, 12,53% so với trước đại tu, đồng thời giảm đáng kể lượng điện tự dùng của quạt khói, quạt gió chính, cũng như cải thiện được các tác động tiêu cực do lọt gió đến thiết bị tổ máy như nêu trên. Theo tính toán sơ bộ của Ban KTSX EVNGENCO2, khi lắp đặt hệ thống chèn mềm, tổ máy số 3 tiết kiệm được khoảng 10.160 thấn than/năm.

Đánh giá cao bài tham luận của Ban KTSX - EVNGENCO2, cũng như công nghệ chèn mềm BSKK kiểu quay - NMNĐ Hải Phòng đã lắp đặt, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật rất tích cực, ông Tạ Tuấn Anh đề nghị các EVNGENCO và các Đơn vị nhiệt điện tổ chức nghiên cứu, liên hệ trao đổi kinh nghiệm với EVNGENCO2, Nhiệt điện Hải Phòng để có thể áp dụng trong thời gian tới nhằm tăng hiệu suất lò hơi, giảm suất hao nhiên liệu, giảm điện tự dùng của nhà máy, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.

hình ảnh minh họa về công nghệ chèn mềm
Hình ảnh minh họa về công nghệ chèn mềm

Thực tế các nghiên cứu chỉ ra đối với lò hơi của các nhà máy nhiệt điện, tỷ lệ lọt gió BSKK của lò hơi rất quan trọng, nếu tăng cao sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các thiết bị, cụ thể như: Giảm hiệu suất lò hơi, giảm hiệu suất phát điện thương phẩm; Tăng lượng điện tự dùng do tăng công suất quạt gió, quạt khói; Chế độ cháy lò hơi không ổn định; Suy giảm hiệu suất bắt bụi của hệ thống lọc bụi do tăng tốc độ, lưu lượng khói thoát.

Ngoài ra còn hình thành NH4HSO4 có tính bám dính cao gây tắt nghẽn phần tử BSKK cũng như tắt nghẽn hệ thống thải tro; Giảm hiệu suất nghiền than do nhiệt độ gió giảm và ảnh hưởng đến độ mịn của than; Sinh ra nhiều khí SO3 gây đọng sương axit H2SO4 gây ăn mòn hóa học BSKK phần đầu lạnh và các thiết bị phía sau cùa lò hơi,…

Tại buổi Hội thảo, các Đơn vị trong EVN đã tham gia thảo luận sôi nổi, nhằm tìm hiểu nhiều hơn về công nghệ chèn mềm, chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế kỹ thuật, ảnh hưởng đến quá trình vận hành…

Minh Lương