Sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chuyển sang linh hoạt trong bình thường mới, bắt đầu quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ năng lượng cũng tăng cao, tạo ra áp lực rất lớn trong nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước. Để sẵn sàng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuẩn bị cho hai kịch bản tăng trưởng sản lượng cho năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế.
Vì vậy, ngoài các giải pháp nhằm tăng nguồn cung cho hệ thống điện, một giải pháp đặc biệt quan trọng là đẩy mạnh ý thức tiết kiệm năng lượng đối với người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong danh sách tiêu thụ năng lượng trọng điểm.
Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, đại diện bộ, ngành chia sẻ tại Diễn đàn “Năng lượng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19”, do Văn phòng Ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), EVN và Hội truyền thông số Việt Nam, Báo Giao thông tổ chức tại Hà Nội ngày 26/11.
Hai kịch bản tăng trưởng điện
“Về cơ bản năm 2022, hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện” – đó là khẳng định của ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN. Ông Lâm cho biết, Tập đoàn đã xây dựng và sẵn sàng cho hai kịch bản. Đó là, kịch bản cơ sở với mức tăng trưởng điện 8,2%, tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh và kịch bản cao với mức tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng điện đạt 286,1 tỷ kWh.
Để có thể đạt được sản lượng này, một mặt, EVN chủ động tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc để đảm bảo cấp điện mùa khô năm 2022. Đồng thời, huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc. Đảm bảo tích nước các hồ thủy điện khu vực miền Bắc lên mực nước cao nhất vào cuối năm 2021 và điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện, nhất là các NMTĐ lớn trên bậc thang sông Đà.
Mặt khác, EVN đã phối hợp với các NM thủy điện nhỏ để ký kết các Phụ lục hợp đồng điều chỉnh khung giờ cao điểm của các nhà máy này vào các giờ phù hợp với nhu cầu của phụ tải, góp phần rất lớn trong việc giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm của miền Bắc. Đồng thời, phối hợp Bộ NN&PTNT, các địa phương trong việc cấp nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ để nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết các nhà máy điện nhằm nâng cao hiệu quả của các tổ máy. Bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 năm 2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.
Đối với giải pháp bổ sung nguồn cung, Tập đoàn cũng đang Nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ điện - BESS tại khu vực miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh. Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc. Ngoài ra, tuyên truyền để các doanh nghiệp có máy phát diesel tham gia hỗ trợ vào giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, EVN cũng đẩy nhanh tiến độ các đường dây truyền tải, nâng cao năng lực truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc và tăng tốc, hoàn thành đấu nối trước mùa lũ 2022 các nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Tuy nhiên, trên tất cả, giải pháp căn cơ và bền vững nhất vẫn là tuyên truyền, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả ý thức tiết kiệm năng lượng đối với người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong danh sách sử dụng năng lượng trọng điểm.
Càng tăng trưởng càng cần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn 2020-2025 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Vũ cho biết, với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, giải pháp tiết kiệm năng lượng trên mọi mặt của đời sống xã hội và trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế đất nước, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3). Mục tiêu đầu tiên của Chương trình VNEEP3 là tiết kiệm từ 8-10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường (tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi TOE).
Theo số liệu của EVN, thì Hệ số đàn hồi của Việt Nam năm 2019 đạt 1,29 nhưng vẫn cao so với các nước phát triển (dưới 1). Điều này chứng tỏ Việt Nam sử dụng năng lượng còn lãng phí, chưa hiệu quả.
Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng. Với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.
Vì vậy, việc duy trì các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam cần thiết phải tiếp tục thực hiện với một kế hoạch và chiến lược dài hạn có định hướng rõ ràng.
3 giải pháp nền tảng để tiết kiệm năng lượng
Từ kinh nghiệm triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chương trình VNEEP2, Chương trình VNEEP3 đề ra 3 giải pháp nền tảng để tiết kiệm năng lượng gồm: Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế...; Lồng ghép vào kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam...; Lồng ghép vào chiến lược về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...
Chương trình VNEEP3 cũng vạch rõ 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm thống nhất, hiệu quả hóa, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tiến tới xã hội hóa việc thực hiện hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước. Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm bắt đầu từ công tác pháp quy, pháp chế đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đổi mới sáng tạo trong sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng như yêu cầu phải tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cao công tác tuyển truyền nhằm cải thiện hành vi sử dụng điện, năng lượng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo hướng tập trung các hỗ trợ tài chính cho đổi mới, cải tạo công nghệ kỹ thuật trong các lĩnh vực, ngành… có cường độ sử dụng năng lượng cao, tính cạnh tranh yếu.
Cũng giống như các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19. Để từng bước phục hồi nền kinh tế, năng lượng có vai trò quan trọng, trong đó sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yếu tố, là giải pháp quan trọng. Đối với chương trình VNEEP, để Chương trình triển khai có hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và đặc biệt là UBND các tỉnh đặc biệt quan trọng, trong đó, việc triển khai thực hiện Chương trình tại các địa phương được coi là điểm mấu chốt quyết định việc hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình quốc gia đã đề ra.