Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới

Nhằm tìm ra giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công thương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với chủ đề "Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới", diễn ra tại Hà Nội.

Thông qua diễn đàn sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước cùng thảo luận và chia sẻ chính sách, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.

Cùng với đó, các nhà khoa học, công nghệ trong và ngoài nước cũng sẵn sàng tiếp nhận các đặt hàng từ các nhà quản lý, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.

Diễn đàn công nghệ và năng lượng 2022
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đồng chủ trì Diễn đàn, với sự tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, chủ đề về công nghệ- năng lượng được đưa ra rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng kế hoạch đảm bảo hai mục tiêu lớn, một là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó Việt Nam cũng tiếp tục với mục tiêu lớn hơn mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các nền kinh tế quốc dân trong khu vực và trong đó có Việt Nam hiện nay, một trong các giải pháp để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà Bộ Công Thương và Bộ Khoa học- Công nghệ cùng nhất trí là giải pháp tiết kiệm năng lượng, hay nói rộng hơn là sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả là giải pháp rẻ nhất để tăng cường nguồn cung cho hệ thống năng lượng.

Cũng theo Thứ trưởng, những căng thẳng chính trị thời gian gần đây đã đẩy giá năng lượng trên toàn cầu tăng cao và gây áp lực lạm phát rất lớn đến nhiều nền kinh tế. Nhiều quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp tiết giảm trong tiêu dùng năng lượng. Trong khi đó, Việt Nam lại sử dụng chưa hiệu quả các nguồn năng lượng. Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.

“Làm thế nào để chúng ta sử dụng năng lượng ít hơn? Làm thế nào để hệ số tăng trưởng điện trên GDP giảm xuống còn dưới 1 so với hiện nay là 1,41? Làm thế nào để cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế giảm xuống nữa để sánh vai với các nước đang phát triển?... Đây là một chủ đề lớn và chúng tôi rất mong muốn tiếp cận được công nghệ mới của thế giới, hơn nữa là tìm ra con đường để ứng dụng công nghệ này trong Việt Nam”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ.

Còn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt phát thải ròng theo cam kết của Chính phủ tại COP26, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris.

dàn dầu khí
Thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng giai đoạn mới góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra 2 phiên thảo luận. Trong đó, phiên 1 có chủ đề “Chính sách và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” và phiên 2 có chủ đề “Giải pháp công nghệ hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”.

Tại phiên 1, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã trình bày về tình hình tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam, cũng như các chính sách và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019- 2030.

"Mục tiêu của giai đoạn này là huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu KHCN và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội để tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững", ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.

Phiên 2 đặc biệt quan trọng với sự tham gia của cộng đồng các viện trường, các nhà khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Nội dung giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp tham gia diễn đàn cũng đề xuất các ngành chức năng xây dựng những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn nhằm giải quyết trực tiếp các bài toán thực tiễn với sự tham gia của các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng.

Ngoài ra tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; công nghệ lưu trữ năng lượng; hệ thống truyền tải điện năng, nhất là công nghệ tiên tiến trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 đã đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; Tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; Đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững.

Lan Anh