Tóm tắt:

Ở Việt Nam, theo thống kê, tỉ lệ đô la hóa luôn ở mức trên 20%, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực thấp hơn rất nhiều, như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia... chỉ khoảng 7-10%. Việc hạn chế tình trạng đô la hóa ở nước ta là vấn đề mang tầm vĩ mô, không phải là chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết. Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng như các nhà kinh tế học đã đưa ra rất nhiều giải pháp, tuy nhiên, ở từng thời điểm, từng mức độ, những giải pháp đó có thể mang lại hiệu quả hoặc không. Bài viết sẽ khái quát và phân tích về thực trạng đô la hóa hiện nay nhìn từ cả góc độ trên thế giới và ở trong nước, đồng thời đề xuất một số biện pháp giải quyết vấn đề đô la hóa ở Việt Nam.

Từ khóa: Đô la hóa, tỷ giá đồng USD, ngân hàng, lượng ngoại tệ, kinh tế thế giới, Ngân hàng Nhà nước, kiều hối…

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đô la hóa là một hiện tượng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đó là việc đồng ngoại tệ (thường là ngoại tệ mạnh) có khả năng tự do chuyển đổi thay thế đồng nội tệ để thực hiện chức năng của tiền tệ. Bất kỳ một ngoại tệ mạnh nào như: USD, JPY, AUD, GBP, EURO... có khả năng thay thế đồng nội tệ trong lưu thông cũng dẫn đến hiện tượng đô la hóa. Tuy nhiên, sau Đại chiến thế giới lần thứ hai những đồng đô la Mỹ tái thiết châu Âu, đã tràn ngập châu Âu lục địa và làm cho đồng đô la Mỹ trở thành phương tiện thanh toán quốc tế mà không có đồng nào có thể thay thế được kể cả khi hiệp ước Brettom Woods (là thỏa thuận hướng tới xác lập một chế độ tỷ giá cố định) sụp đổ. Theo tiêu chí của IMF đưa ra, một nền kinh tế được coi là có tình trạng đô la hóa cao khi mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm từ 30% trở lên trong tổng khối tiền bao gồm tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi có kì hạn, tiền gửi không kì hạn, tiền gửi ngoại tệ.

Đô la hóa gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nền kinh tế như:

- Làm giảm hiệu quả điều hành của chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương không phát huy được hiệu quả, bị mất tính độc lập và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến kinh tế quốc tế, nhất là khi xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế.

- Gây khó khăn trong việc dự đoán diễn biến tổng phương tiện thanh toán, do đó dẫn đến việc đưa ra các quyết định về việc tăng hoặc giảm lượng tiền trong lưu thông kém chính xác và kịp thời. Làm cho đồng nội tệ nhạy cảm hơn đối với các thay đổi bên ngoài, do đó những cố gắng của chính sách tiền tệ nhằm tác động đến tổng cầu nền kinh tế thông qua việc điều chỉnh lãi suất cho vay trở nên kém hiệu quả.

- Đô la hóa có thể làm cho đồng tiền trong nước không ổn định, do người dân có xu hướng chuyển từ đồng nội tệ sang đô la Mỹ, làm nhu cầu của đồng đô la Mỹ tăng mạnh gây sức ép đến tỷ giá. Khi các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới thực hiện phá giá đồng tiền, thì quốc gia bị đô la hóa sẽ không còn khả năng để bảo vệ sức cạnh tranh của khu vực xuất khẩu thông qua việc điều chỉnh lại tỷ giá hối đoái.

- Chính sách tiền tệ bị phụ thuộc nặng nề vào nước Mỹ. Trong trường hợp đô la hóa chính thức, các chính sách tiền tệ và chính sách lãi suất của đồng tiền khi đó sẽ do nước Mỹ quyết định. Trong khi các nước đang phát triển và một số nước phát triển như Mỹ không có chu kỳ tăng trưởng kinh tế giống nhau, sự khác biệt về chu kỳ tăng trưởng kinh tế tại hai khu vực kinh tế khác nhau đòi hỏi phải có những chính sách tiền tệ khác nhau.

- Đô la hóa chính thức sẽ làm mất đi chức năng của ngân hàng trung ương là người cho vay cuối cùng của các ngân hàng. Trong các nước đang phát triển chưa bị đô la hóa hoàn toàn, mặc dù các ngân hàng có vốn tự có thấp, song công chúng vẫn tin tưởng vào sự an toàn đối với các khoản tiền gửi của họ tại các ngân hàng. Nguyên nhân là do có sự bảo lãnh ngầm của Nhà nước đối với các khoản tiền này. Điều này chỉ có thể làm được đối với đồng tiền nội tệ, chứ không thể áp dụng được đối với đô la Mỹ. Đối với các nước đô la hóa hoàn toàn, khu vực ngân hàng sẽ trở nên bất ổn hơn trong trường hợp ngân hàng thương mại bị phá sản và sẽ đóng cửa khi chức năng cho vay cuối cùng của ngân hàng trung ương đã bị mất.

II. THỰC TRẠNG

Những năm qua, lượng tiền gửi tuyệt đối bằng USD tại các ngân hàng ở Việt Nam đã không ngừng tăng lên, đặc biệt là tại hệ thống ngân hàng hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với nguồn vốn ngoại tệ đồ sộ đó, các ngân hàng thường có hai cách lựa chọn:

Một là: Đem gửi ở ngân hàng nước ngoài - những nước có lãi suất tiết kiệm bằng đồng USD cao hơn trong nước để kiếm lời bằng chênh lệch lãi suất hoặc thực hiện nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ quốc tế;

Hai là: Đầu tư và cho các doanh nghiệp trong nước vay.

Cách thứ nhất buộc các ngân hàng phải có một lượng USD tương đối lớn song hiệu quả kinh tế không cao, lại luôn tiềm tàng nhiều rủi ro do giá USD trên thị trường thế giới luôn biến đổi thất thường. Điển hình là việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã từng có giai đoạn bị thua lỗ hàng chục triệu USD do kinh doanh ngoại tệ. Chính vì vậy mà các ngân hàng thường thực hiện theo cách thứ hai: đầu tư cho vay trong nước và chính điều này đã làm gia tăng các giao dịch, thanh toán bằng USD trên nhiều loại thị trường. Điều này không những đẩy nhanh quá trình đô la hóa mà còn mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp vay vốn bằng USD. Họ kinh doanh bằng VND nhưng phải trả nợ ngân hàng bằng USD và nghiễm nhiên sẽ phải gánh chịu rủi ro về tỷ giá. Ta có thể thấy rõ được sự rủi ro khi kinh doanh ngoại tệ thông qua hai bảng số liệu về tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng trong ví dụ hai ngày 31/3/2015 và 14/4/2015 dưới đây:



Một lĩnh vực đô la hóa tương đối mạnh khác đó là bán hàng qua mạng, kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu, nhất là đồ điện tử. Ta có thể thấy bằng trực giác việc niêm yết giá bằng cả VNĐ lẫn USD ở hầu như 100% các trang web bán đồ điện tử như: máy vi tính, các thiết bị gia dụng nhập ngoại... Mặc dù hai loại giá được đặt song song nhưng việc thanh toán thực tế thì luôn được thực hiện bằng USD, nếu khách hàng thanh toán bằng VND thì giá của hàng hóa sẽ dựa trên tỷ giá hối đoái giữa VND và USD ngày hôm thực hiện giao dịch. Những hàng hóa này thường là những hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ hoặc nhập khẩu từng linh kiện nên giá của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào USD. Do vậy, các doanh nghiệp để tránh rủi ro tỷ giá cho mình, buộc phải niêm yết giá bằng USD. Ngoài ra, doanh nghiệp niêm yết giá bằng USD còn để tăng tính "hiện đại", "thương mại điện tử". Điều này rất đáng lo ngại vì kinh doanh qua mạng sẽ trở thành loại hình kinh doanh chủ yếu trong tương lai.

Từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết liệt thực hiện Đề án chống đô la hóa, với mục tiêu giảm tỉ trọng tiền gửi ngoại tệ xuống 15% vào năm 2015 và chấm dứt tình trạng đô la hóa trước năm 2020. Để thực hiện chủ trương này, động thái đầu tiên của NHNN là tăng mạnh dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ nhằm tạo ra một khoảng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi nội tệ và ngoại tệ, cũng như lãi suất cho vay của nội tệ và ngoại tệ. Như vậy, ngân hàng thương mại (NHTM) buộc phải hạ thấp lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay bằng đô la, khiến đồng đô la không còn hấp dẫn, kích thích người dân chuyển đổi sang VND. Doanh nghiệp cũng nhận thấy chuyển sang vay nội tệ có lợi hơn và bản thân ngân hàng cũng thấy huy động/cho vay ngoại tệ không có lãi bằng VND. Bên cạnh đó, NHNN cũng giảm mạnh trạng thái ngoại hối của các NHTM, áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp hơn và yêu cầu kết hối ngoại tệ 100% đối với doanh nghiệp nhà nước.

Sau hàng loạt giải pháp như trên, quá trình chống đô la hóa đã tiến triển khả quan. Cuối năm 2014, tỉ trọng vốn huy động ngoại tệ đã giảm từ mức 19,5% (năm 2013) xuống 14,6%; tỉ trọng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ 15,84% xuống 12,36%; tỉ trọng dư nợ ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng giảm từ 20% xuống 17,5%. Đến hết tháng 8/2015, tỉ trọng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán chỉ còn 11,82%. Quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ chuyển dần sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, nhờ đó đến thời điểm này, dư nợ bằng ngoại tệ giảm 11,5%; trong khi dư nợ bằng VND tăng 10,4% so với năm 2014.

Nguyên nhân tình trạng đôla hóa được xác định là do:

- Nguyên nhân mang tính lịch sử, đó là sự mất lòng tin vào đồng nội tệ của người dân do những cuộc khủng hoảng tiền tệ sau năm 1985 và những năm 1997-1998. Thêm vào đó là hiện tượng lạm phát phi mã trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 càng làm cho đồng nội tệ mất giá nhanh và tạo cho những người giữ tiền cảm thấy quá rủi ro khi giữ một khối lượng đồng nội tệ lớn. Hơn thế nữa, sau một thời gian ổn định, chỉ số giá đang ngày càng gia tăng khiến mọi người thêm ngần ngại hơn trong việc chuyển từ ngoại tệ sang VND. Người ta thích dùng USD không chỉ vì tính ổn định mà còn vì sự gọn nhẹ và tiện dụng của nó.

- Một nguyên nhân khác đó là nguồn ngoại tệ tiền mặt ở nước ta không ngừng tăng nhanh, đặc biệt là USD bởi vì nước ta có rất nhiều kênh để huy động ngoại tệ:

Nguồn kiều hối ngày càng có xu hường tăng mạnh với mức tăng bình quân 10%/năm.

Lượng ngoại tệ chi tiêu ở Việt Nam của khách du lịch nước ngoài cũng tăng nhanh cùng với lượng du khách đến Việt Nam.

Có thể thấy trên các trang web tại các trung tâm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Huế... các tour du lịch vẫn công khai niêm yết giá các loại dịch vụ bằng USD. Trên trang web của resort có tên BO (Phú Quốc) thậm chí tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ tại đây đều được niêm yết bằng USD với giá từ 65-120 USD/sản phẩm dịch vụ chứ không hề nhắc đến việc thanh toán bằng VND...

Tiền lương và thu nhập của người Việt Nam làm việc trong các dự án liên doanh, dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, dự án quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam... được trả bằng ngoại tệ.

Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sinh sống, làm ăn, học tập... ngày càng gia tăng, chi tiêu ngoại tệ tiền mặt rất lớn, nhất là tiền thuê nhà của các hộ gia đình người Việt Nam và chi trả các dịch vụ khác.

Tiền viện trợ không hoàn lại, tiền của các tổ chức tài chính vi mô, tổ chức từ thiện quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài... Bên cạnh đó là nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, Chính phủ các nước.

Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới chính thức công bố số liệu cập nhật về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2015. Theo đó, tính đến ngày 30/6/2015, vốn FDI vào Việt Nam, cả cấp mới và tăng thêm là 21,92 tỷ USD, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính đến 30/6/2015 đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 17.768 dự án, tổng vốn đăng ký 252,715 tỷ USD, trong đó có 1.843 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 16,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014 và 749 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,41 tỷ USD, bằng 68,8% so với cùng kỳ năm 2014. Thêm nữa, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2015 đã cấp được 4 dự án cấp mới với số vốn lớn trên 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư 4 dự án là 6,65 tỷ USD chiếm 30,5% tổng vốn đầu tư đầu năm 2015. Trong 1.843 dự án cấp mới năm 2015, đã cấp được 4 dự án cấp mới với số vốn lớn trên 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư 4 dự án là 6,65 tỷ USD chiếm 30,5% tổng vốn đầu tư năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngày một gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế.

Ngoại tệ từ các hoạt động buôn lậu và một số nguồn ngoại tệ qua các hoạt động kinh tế ngầm khác mà Chính phủ Việt Nam chưa thể quản lý.

III. GIẢI PHÁP

Nhìn chung, để giải quyết vấn đề đô la hóa ở Việt Nam, chúng ta nên thực hiện một số biện pháp sau đây:

- Phải xây dựng nền kinh tế tăng trưởng ổn định và kiềm chế lạm phát để tạo niềm tin của người dân vào đồng nội tệ. Do sự mất lòng tin vào đồng nội tệ của người dân sau những cuộc khủng hoảng kinh tế và xu hướng thích sử dụng đồng USD là một trong những nguyên nhân gây đôla hóa.

- Tạo môi trường đầu tư trong nước có khả năng hấp thụ được số vốn ngoại tệ hiện có trong dân và thu hút được từ nước ngoài, vì thực tế cho thấy việc hấp thụ kém các nguồn vốn này là một nguyên nhân quan trọng làm tăng tình trạng đô la hóa.

- Điều chỉnh chính sách lãi suất và tỷ giá cho hợp lý để tác động đến điều kiện thị trường nhằm làm cho đồng Việt Nam hấp dẫn hơn đô la Mỹ. Qua đó, nếu nền kinh tế xảy ra tình trạng lạm phát, ngành ngân hàng nên thắt chặt cung ứng tiền tệ ở mức cho phép để không gây ra suy thoái nền kinh tế. Cần tiếp tục cơ cấu tích cực mệnh giá đồng Việt Nam, phát triển dịch vụ ngân hàng và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng thẻ, kể cả thẻ tín dụng quốc tế. Thu hẹp đối tượng được phép vay ngoại tệ so với hiện nay, trừ trường hợp cho vay để nhập khẩu máy móc, công nghệ, nguyên liệu, bán thành phẩm... phục vụ xuất khẩu.

Cụ thể, năm 2015 với việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều hành duy trì ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối cũng đã được phối hợp nhuần nhuyễn, đóng góp tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, không tạo cú sốc bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều hành chính sách tiền tệ, với biện pháp trực tiếp, cụ thể là quy định trần lãi suất tiền gửi VND và USD, trong đó, duy trì khoảng cách đáng kể giữa lãi suất tiền đồng cao hơn lãi suất USD 4-5%, NHNN đã khuyến khích người dân nắm giữ tiền đồng phục vụ chiến lược chống đô la hóa, bảo đảm ổn định về tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng.

- Quản lí chặt chẽ việc mua bán ngoại tệ. Quy định rõ những cơ quan, đơn vị được phép sử dụng USD trong giao dịch, thanh toán trong xuất nhập khẩu, làm nhiệm vụ đối ngoại. Nghiêm cấm sử dụng ngoại tệ đầu cơ trục lợi, mua bán lòng vòng làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ. Không được duy trì quyền sở hữu ngoại tệ không có nguồn gốc hợp pháp. Cần có quy chế rõ ràng rằng sở hữu ngoại tệ của dân cư là sở hữu ngoại tệ hợp pháp chuyển từ nước ngoài vào; không cho phép sở hữu số ngoại tệ có được do sự trao đổi lòng vòng ở chợ đen, rồi biến số đó thành sở hữu riêng

- Nhất quán chủ trương quản lý lưu hành ngoại tệ theo hướng “Trên đất nước Việt Nam chỉ chi trả bằng đồng Việt Nam”, theo đó quy định không được phép chi trả bằng ngoại tệ ở Việt Nam, trừ duy nhất trường hợp trả chuyển khoản cho các tổ chức kinh doanh được NHNN cho phép tiếp tục thu ngoại tệ. Việc chi trả cho người trong nước các khoản tiền như tiền lương, thu nhập từ xuất khẩu lao động... bằng ngoại tệ tiền mặt theo yêu cầu cũng nên chấm dứt. Thực hiện những bước đầu tiên để đồng Việt Nam tham gia quan hệ vay trả nợ nước ngoài và đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sử dụng VND tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam để người nước ngoài chấp nhận VND trong thanh toán; xóa bỏ việc chuyển tiền FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) phải xuất trình chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính và xóa bỏ các quy định về cân đối ngoại tệ đối với FDI. Phải giảm chi phí trong giao dịch bằng VND so với giao dịch bằng USD. Áp dụng các biện pháp nhằm biến USD thành một loại hàng hóa bình thường, đồng thời xử phạt nghiêm minh những sai phạm để chấn chỉnh việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do. Cá nhân có tài khoản ngoại tệ gửi tại NHTM chỉ rút ra bằng tiền mặt ngoại tệ để cất giữ riêng hoặc để đưa đi nước ngoài chi tiêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghiên cứu của JICA và của Ngân hàng Nhà nước về “Điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế bị đô la hóa một phần” năm 2002, Hội thảo tại Hà Nội;

2. Báo cáo thường niên và một số thông tin, bình luận đăng tải trên Website: www.sbv.gov.vn của NHNN;

3. Luận văn tiến sỹ kinh tế “Các giải pháp thúc đẩy tiến trình phi đô la hóa ở Việt Nam” của Nguyễn Thanh Bình năm 2009;

4. Thống kê Tài chính Quốc tế của IMF năm 2013 và 2014;

5. Trang web các ngân hàng;

6. Trang web Ngân hàng Nhà nước.

Ngày nhận bài: 02/01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 22/01/2016

Thông tin tác giả:

Đoàn Phương Ngân

Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp

Solving dollarization issue in Vietnam to stable the exchange rate and foreign exchange market

Doan Phuong Ngan

Faculty of Finance and Banking, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

According to statistics, the dollarization ratio of Vietnam is usually 20%, higher than the ratio of other neighbouring countries such as Indonesia, Thailand, Malaysia... (7% - 10%). The task of controlling dollarization is a marco issue of Vietnam and the Governmetn, authorities and economists proposes many solutions to solve this isue. However, almost of proposed solutions have not been successful. This article aims to give an overview and analysis of the current dollarization issue in Vietnam. The article also proposes some solutions to tackle with this dollarization issue.

Keywords: Dollarization, dollar exchange rate, bank, the amount of foreign currency, global economy, the State bank of Vietnam, overseas remittances.