Giao thông Điện Biên: Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh theo quy hoạch

Để đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh theo quy hoạch đã phê duyệt, ngành thông vận tải (GTVT) Điện Biên phải chủ động tìm kiếm, đa dạng hoá nguồn lực để phát triển đồng bộ.

Thực hiện ba khâu đột phá chiến lược theo Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh Điện Biên, trong đó xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Trọng tâm là ưu tiên các công trình, dự án giao thông trọng điểm, kết nối trong vùng, giữa các địa phương với trung tâm kinh tế của các tỉnh và cả nước.

Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, tỉnh Điện Biên đang đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, như Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, dự án đường động lực kết nối QL12, QL.279,…một số dự án đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư,…qua đó từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông liên hoàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Điện Biên
Điện Biên đang từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông liên hoàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, để triển khai đồng bộ hạ tầng giao thông trên địa bàn Điện Biên trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành giao thông Điện Biên. Ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở Giao thông Điện Biên cho rằng tỉnh phải thực hiện tốt công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm địa phương, ngành, lĩnh vực. Trong đó xác định cụ thể vai trò, vị trí của từng tuyến đường (cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ…) góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đồng thời thống nhất danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời xác định nhu cầu sử dụng đất dành cho giao thông trong giai đoạn tới, trong đó nghiên cứu quy hoạch nguồn vật liệu san lấp (đất đắp, cát…), vị trí bãi đổ thải để việc đầu tư hạ tầng giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả, không để bị động trong quá trình thi công.

Bên cạnh đó, Điện Biên sẽ phải cụ thể hoá các danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch tỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn của trung ương cũng như địa phương, trong đó xác định rõ thẩm quyền đầu tư (hệ thống đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT; hệ thống đường địa phương thuộc trách nhiệm của địa phương), kiên quyết việc đầu tư phải theo quy mô quy hoạch được duyệt, không vì nguồn lực có hạn mà điều chỉnh giảm quy mô đầu tư (trường hợp thực sự khó khăn cần phân kỳ đầu tư một cách hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực xã hội); thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.

“Chúng tôi sẽ phải thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, trong đó đặc biệt là công tác quản lý chất lượng từ khâu chuẩn bị dự án đến khi đưa vào khai thác sử dụng, ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, thích ứng biến đổi khí hậu trong quá trình đầu tư các dự án giao thông...Đồng thời phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, đây là công tác quan trọng, thường xuyên ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án đầu tư...”- ông Kiên chia sẻ.

Điện Biên
Quốc lộ 279B đoạn Nà Tấu - Mường Phăng

Đặc biệt, yếu tố tiên quyết để hiện thực mục tiêu phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông đó là đa dạng hoá nguồn lực đầu tư. Trong những năm gần đây, Sở GTVT Điện Biên luôn chủ động tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là từ Bộ GTVT và từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA (chủ yếu từ nguồn WB, Quỹ Ả- rập- xê- út…), nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh theo quy hoạch đã phê duyệt.

“Điện Biên đã phối hợp với Nhà tài trợ đầu tư tuyến đường quy hoạch quốc lộ 12D, sử dụng vốn từ Quỹ Ả- rập- xê- út, đến nay dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án; đồng thời đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ KHĐT xem xét đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, các dự án kết nối quốc lộ sử dụng vốn vay WB, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025-2029”- ông Kiên cho biết.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 02 dự án đầu tư về giao thông theo hình thức hợp đồng BT: Dự án đường Thanh Minh - đồi Độc Lập và Dự án khu dân cư đường 15m từ cầu A1 đến cầu C4), các dự án đã và đang triển khai, từng bước phát huy hiệu quả đầu tư.

Đáng chú ý, Sở GTVT đã báo cáo cấp có thẩm quyền kêu gọi, thu hút đầu tư bằng hình thức PPP đối với Dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (thành phố Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/QL.279). Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án tại Công văn số 538/TTg-CN ngày 23/6/2022 (trong đó vốn do Nhà đầu tư huy động khoảng 4.258 tỷ đồng, chiếm hơn 51% TMĐT).

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên khá đa dạng, bao gồm hệ thống đường bộ (hiện có 9.212 km đường giao thông các loại, mật độ giao thông trung bình đạt 96,3 km/100km2, trong đó gồm 06 quốc lộ với chiều dài 745 km chưa được đầu tư đồng bộ (theo quy hoạch là đường cấp III, IV miền núi, tuy nhiên hiện nay phần lớn đang là cấp IV, VI, cấp VI miền núi châm chước), về chất lượng mặt đường chưa cao, chủ yếu là láng nhựa; hệ thống đường địa phương cơ bản đầy đủ; đặc biệt chưa có đường cao tốc kết nối đến tỉnh); đường hàng không (Cảng hàng không Điện Biên, chỉ khai thác được tàu bay ATR 72 hoặc tương đương, hiện nay đang tiến hành cải tạo, nâng cấp), đường thủy (chủ yếu trên lòng hồ thủy điện Sơn La, hệ thống hạ tầng chưa phát triển, chủ yếu phục vụ cho các hộ gia đình). Trong đó, về phương thức khai thác chủ yếu nhất vẫn là đường bộ, trong những năm qua đã từng bước được nâng cấp, trong đó hệ thống đường bộ, quốc lộ kết nối nội vùng cũng như kết nối liên vùng đã cơ bản nâng cấp một bước, góp phần phát huy lợi thế vùng, tạo liên kết nội vùng.

Lê Hoa