Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian này chủ yếu là dệt may đạt 537 triệu USD. Ảnh minh hoạ: TTXVN
* Đối tác hàng đầuTheo thống kê củaBộ Công Thương, tính đến đầu tháng 3/2018 tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 2,7 tỷ USD, tăng gần 14,3% so với cùng kỳ 2017.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian này chủ yếu là dệt may đạt 537 triệu USD; phương tiện vận tải đạt 365,2 triệu USD; máy móc thiết bị gần 259 triệu USD…. Đáng chú ý, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với lĩnh vực nhập khẩu, đến đầu tháng 3 cả nước nhập khẩu 2,705 tỷ USD hàng từ Nhật Bản, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Việt Nam bị thâm hụt thương mại nhẹ (khoảng 5 triệu USD) từ Nhật Bản.
Cùng đó, các mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nhật Bản là máy móc, thiết bị với kim ngạch 675 triệu USD; kế đến là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 392 triệu USD; sắt thép hơn 203 triệu USD…
Khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cũng cho thấy, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc trong số các quốc gia mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư trong thời gian tới.
Lũy kế tính đến cuối tháng 3/2018, Nhật Bản có 3.693 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 49,8 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến ngày 20/3, Nhật Bản đã có 96 dự án cấp mới, 42 dự án tăng vốn và 112 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là gần 593 triệu USD, đứng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển trong những năm qua. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Tuy nhiên để thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng suất lao động, giữ vững cam kết giữa các nhà đầu tư. Đồng thời, tận dụng tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới như: nông nghiệp, du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, vận tải, phân phối…
Cần Thơ ưu tiên vốn ODA cho hạ tầng đô thị và môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo nhận định từ Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), mặc dù quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản luôn đạt kết quả tăng trưởng cao nhưng số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều từ các lợi thế này.
Đưa ra minh chứng cụ thể, ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, thị trường Nhật Bản được coi là khai thác tốt cũng mới đạt 40%, khu vực ASEAN chỉ đạt khoảng 20%.
Lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam thu được từ việc thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) nói riêng cùng các FTA đã tham gia nói chung trong những năm qua chưa phản ánh được tiềm năng thương mại trong nước.
Theo nội dung FTA Việt Nam - Nhật Bản, thuế suất bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018. Khi Hiệp định có hiệu lực, ít nhất 86% hàng nông - lâm - thủy sản và 97% hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế.
Đổi lại, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần, xuống còn 7% vào năm 2018. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất.
Trong vòng 10 năm, theo thỏa thuận, Việt Nam và Nhật Bản cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh. Theo đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Vì vậy, ông Lê An Hải khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư phù hợp để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Ngoài ra, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để khai thác tốt hơn tiềm năng từ thị trường Nhật Bản và tận dụng triệt để những thuận lợi các Hiệp định mang lại.
Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Nhật Bản, giới phân tích cho rằng, doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình năng lực hoạt động hiệu quả trong môi trường kinh doanh của kinh tế thị trường.
Do vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả dựa trên việc phân tích và đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, vị thế của doanh nghiệp hiện tại và đích cần đạt tới...
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là điều phải tính đến trước tiên. Đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững sang thị trường Nhật Bản và cũng là góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.Để khai thác có hiệu quả hơn nữa tiềm năng và thế mạnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định cần thúc đẩy liên kết kinh tế thông qua tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.
Đáng lưu ý, triển khai hiệu quả Hiệp định VJEPA nhằm đạt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư vào năm 2020 so với năm 2014.
Đặc biệt, hai bên nên tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông, thủy sản vào thị trường hai nước nhiều hơn; đồng thời triển khai hiệu quả Sáng kiến chung Việt - Nhật để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hơn nữa làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Ngoài ra, cần triển khai kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp đã được lựa chọn trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng tăng trưởng trong thời gian tới./.