Cụ thể, tập đoàn kỹ thuật Hàn Quốc Seojin Systems và nhà sản xuất công nghệ container Ace Engineering đã quyết định thành lập nhà máy sản xuất container tại Việt Nam vào giữa năm 2022, với sự hỗ trợ tài chính từ Tập đoàn Kinh doanh Hàng hải Hàn Quốc (KOBC) thuộc Chính phủ Hàn Quốc.
Dự kiến, nhà máy này sẽ được đặt tại Hải Phòng với công suất đạt 100.000 container/năm. KBOC cho biết việc đặt nhà máy sản xuất container tại Việt Nam sẽ giúp chi phí sản xuất ở mức thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các hãng vận tải biển Hàn Quốc, bao gồm cả hãng vận tải HMM – hãng vận tải có lượng hàng lớn từ Việt Nam.
Hàn Quốc hiện là nước xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 4 thế giới. Trong năm 2020, hoạt động xuất khẩu đóng góp 36,9% tổng GDP của Hàn Quốc. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng container rỗng kể từ đầu năm đến nay đang ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp vận tải biển của nước này.
Nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Hoa Kỳ và các nước phương Tây bùng nổ trong giai đoạn vừa qua; trong khi đó, đại dịch Covid-19 khiến nhiều cảng biển lớn rơi vào tình trạng tắc nghẽn. Điều này khiến vòng quay container diễn ra chậm hơn, đẩy giá cước vận chuyển đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn vừa qua.
Hiện Trung Quốc là quốc gia sản xuất container lớn nhất toàn cầu, chiếm 90% tổng sản lượng container thế giới. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung container rỗng khiến nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung mặt hàng này ngày càng tăng lên, đặc biệt đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Hàn Quốc.
Việt Nam có ưu thế về chi phí sản xuất container trên thế giới nhờ chi phí sử dụng đất thấp, nhân công, lợi thế cơ khí… Từ cuối năm 2007, Nhà máy sản xuất container Vinashin-TGC thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin đã đi vào vận hành với công suất thiết kế giai đoạn I là 45.000 TEU/năm (1 TEU tương đương 1 container loại 20 feet). Tuy nhiên, nhà máy này sau đó đã ngừng hoạt động khi Vinashin phá sản.
Đầu năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát quyết định sẽ sản xuất vỏ container rỗng với công suất dự kiến đạt 500.000 TEU/năm tại khu vực Hải Phòng và Đông Nam Bộ. Nhà máy đầu tiên của Hòa Phát dự kiến tại phía Nam, tỉnh Bình Dương hoặc Đồng Nai, gần với cảng Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải. Theo nghiên cứu của Hòa Phát, những năm gần đây, 70% nhu cầu container xuất phát từ khu vực phía Nam. Cứ 4 container thì chỉ có 1 container được sử dụng ở phía Bắc.
Hiện Hòa Phát đang tuyển dụng nhân sự để có thể bắt tay ngay vào xây dựng nhà máy. Dự kiến đầu quý II/2022, Hòa Phát có thể cung cấp ra thị trường container rỗng mang thương hiệu của mình.