Các cam kết quốc tế về phòng vệ thương mại của Việt Nam
Phòng vệ thương mại là các công cụ được Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Phòng vệ thương mại bao gồm ba biện pháp là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được quy định tại ba Hiệp định tương ứng của WTO.
Ngoài ra, các nước còn điều tra và áp dụng biện pháp chống lại các hành vi lẩn tránh ba biện pháp trên (thường gọi là biện pháp chống lẩn tránh). Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thì các biện pháp phòng vệ thương mại đang trở thành công cụ chính sách quan trọng góp phần tăng cường hiệu quả cả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã và đang tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong suốt thời qua và trong tương lai khi nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Cụ thể, Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế cũng như các chính sách, chương trình, đề án, cơ chế phối hợp về phòng vệ thương mại trong tình hình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn thế giới để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế, ngày 28 tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngày công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”. Chương trình này nhấn mạnh vào nhóm nhiệm vụ về tăng cường bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Cũng trong năm 2019, Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" (Đề án 824) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo sự chuyển biến rõ nét mạnh mẽ trong công tác ngăn ngừa, phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Ngay sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam vào tháng 1 năm 2019, căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017 và Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội về việc phê chuẩn CPTPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BCT “Quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”.
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đã và đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những năm gần đây vẫn đạt được những thành tích ấn tượng. Do vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được sử dụng nhiều hơn.
Giờ đây, phòng vệ thương mại chính là “chiếc van an toàn” trong chính sách ngoại thương để ổn định sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 316 /QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2020 về việc phê duyệt “Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”. Để đảm bảo hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thì một trong những yêu cầu quan trọng là theo dõi sát diễn biến thị trường, cảnh báo được nguy cơ xuất hiện các biện pháp hạn chế thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt.
Ngày 19/5/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong bối cảnh 14 Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, song cũng đặt ra không ít thách thức.
Ngày 26 tháng 11 năm 2020, thông tư số 30/2020/TT-BCT về việc Hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu về phòng vệ thương mại” đã được Bộ Công Thương ban hành. Thông tư này hướng việc áp dụng biện pháp tự vệ song phương, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp để thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngay khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, được Quốc hội của hai bên phê chuẩn.
Để tạo ra khuôn khổ toàn diện, tổng thể để tạo điều kiện tăng cường hiệu quả công tác phòng vệ thương mại, bảo vệ hợp pháp và hợp lý sản xuất trong nước, nâng cao hiểu biết, năng lực của các doanh nghiệp, hiệp hội về công cụ phòng vệ thương mại, đồng thời có chiến lược và cơ chế phối hợp nhằm ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngày 02 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Ngày 29/10/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 14/2021/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về phòng vệ thương mại (UKVFTA).
Trước xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn còn nhiều diễn biến phức tạp cũng đã và đang tạo nguy cơ tiềm ẩn, tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu của ta. Việt Nam sẽ trở thành đối tượng bị kiện phòng vệ thương mại của các nước trên thế giới, do đó Việt Nam đã và đang xây dựng những văn bản pháp luật kịp thời nhằm hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu ứng phó với các vụ kiện nước ngoài và là cam kết của chính phủ Việt Nam khi hội nhập và nền kinh tế toàn cầu.
Trong thời gian qua, trên thực tế, các bộ, ngành phối hợp cùng doanh nghiệp đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ thành các chương trình, hoạt động cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc gia; tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi của các Hiệp định Thương mại tự do; nâng cao năng lực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại; ứng phó hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước; nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức, nhân viên ở cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.
Cơ chế quản lý về phòng vệ thương mại tại Việt Nam
Tại Việt Nam, lĩnh vực phòng vệ thương mại được quy định chi tiết tại một số văn bản pháp luật như sau:
Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Công Thương về Quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
Luật số 05/2017/QH14 (Luật Quản lý ngoại thương) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua vào ngày 12/6/2017;
Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp Phòng vệ thương mại;
Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ Công Thương về Quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Thông tư 19/2019/TT-BCT ngày 30/0/2019 của Bộ Công Thương về Quy định áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);
Thông tư 30/2020/TT-BCT ngày 26/11/2020 của Bộ Công Thương về hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) về phòng vệ thương mại;
Thông tư số 14/2021/TT-BCT ngày 29/10/2021 của Bộ Công Thương về hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) về phòng vệ thương mại;
Quy định về nội dung phòng vệ thương mại tại các hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam đã ký kết.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) được giao trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách về vấn đề phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.
Cục Phòng vệ thương mại có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ngoài ra, còn có Bộ, cơ quan ngang Bộ, ngành, tổ chức hiệp hội phối hợp, cung cấp thông tin liên quan tới lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Như vậy, hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam đã liên tục được hoàn thiện từ Luật, Nghị định đến Thông tư, nâng cao khả năng áp dụng và xử lý hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chủ động nghiên cứu những diễn biến mới trong chính sách, pháp luật về phòng vệ thương mại của các nước, tình hình cải cách WTO (như Cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời - MPIA); theo dõi các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO để đề xuất hoàn thiện chính sách phòng vệ thương mại của Việt Nam phù hợp với các quy định quốc tế và thực tiễn trên thế giới.