Hoa Kỳ loại bỏ mặt hàng phân bón của Nga khỏi danh sách trừng phạt

Tờ báo hàng đầu nước Nga Kommersant vừa cho biết Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã loại trừ mặt hàng phân bón hóa học của Nga ra khỏi danh sách trừng phạt. Điều này mở đường cho phép các doanh nghiệp của Hoa Kỳ tiếp tục được nhập khẩu phân bón hoá học từ Nga bình thường.
xuất khẩu phân bón
Nga hiện là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới (Ảnh: Reuters)

Giới phân tích nhận định quyết định trên cho thấy Chính phủ Hoa Kỳ đang lo ngại tình trạng thiếu hụt phân bón có thể trở nên trầm trọng hơn và các quốc gia phương Tây có thể sẽ sớm hành động tương tự.

Thực tế cho thấy thị trường Hoa Kỳ cũng như thị trường thế giới bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt phân bón hoá học do đứt gãy nguồn cung từ Nga khi nước này phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế từ các nước phương Tây. Kể từ đầu tháng 3, ba hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, gồm hãng MSC (Thụy Sỹ), Maersk (Đan Mạch) và CMA CGM (Pháp) đã ngừng khai thác các tuyến đến và đi từ Nga.

Các nguồn tin thị trường cho biết động thái mới nhất của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp việc thu mua phân bón hoá học từ Nga trở nên dễ dàng hơn. Nga hiện là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới và đóng vai trò chủ chốt trong việc cung ứng nhiều dòng phân bón quan trọng như Urea, Ammonium Nitrate, Ammonium Sulphate, Chloride, Calcium Cyanamide và Ammonium Phosphate

Các hãng nhập khẩu nước ngoài có thể vận chuyển phân bón từ Nga thông qua các hãng tàu nhỏ và đến từ các quốc gia không áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga.  Hãng tàu MSC và Maersk cũng cam kết sẽ tiếp tục vận chuyển đối với các mặt hàng của Nga mà các nước phương Tây cho phép.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại châu Âu vẫn đang giữ thái độ thận trọng và cố tránh những rủi ro liên quan đến việc nhập khẩu phân bón từ Nga khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine vẫn chưa có khả năng sớm kết thúc.

Một số chuyên gia nhận định Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thậm chí có thể huỷ bỏ các mức thuế suất đánh vào phân bón nhập khẩu từ Nga, bao gồm của thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng Urea của Nga vốn có hiệu lực từ cuối năm 2019 tại châu Âu và từ đầu năm 2022 tại Hoa Kỳ nhằm hạ nhiệt đà tăng giá mạnh của các loại phân bón.

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón đã khiến giá phân bón tại Hoa Kỳ tăng 17% trong năm 2021 và tăng 12% kể từ đầu năm nay. Điều này buộc nông dân Hoa Kỳ phải chuyển đổi cây trồng sang các loại cây cần ít phân bón hơn hoặc thu hẹp diện tích canh tác.

Duy Quang