Tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp tại thị trường Ấn Độ trong tháng 01 và 02 năm 2011

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ thông báo tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp tại thị trường Ấn Độ trong tháng 01 và 02 năm 2011 như sau:
1. Mặt hàng thép.

Hiện nay, giới chuyên môn thép của Ấn Độ đang nghi ngờ về mục tiêu sản lượng thép xây dựng của Ấn Độ đến năm 2020 đạt 200 triệu tấn và năm 2060 đạt 500 triệu tấn nhưng nhu cầu thép của Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng với tốc độ cao hơn mức tăng trưởng GDP.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Thép (SAIL) - C S Verma - độ co giãn cầu về kim loại của Ấn Độ lớn hơn 1, Ấn Độ sẽ sử dụng 200 triệu tấn cho đến năm 2020. Dự báo trên được dựa trên đề xuất đầu tư 1 nghìn tỷ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng theo kế hoạch lần thứ 12, phát triển đô thị hóa và nông thôn Ấn Độ đòi hỏi sản lượng thép phải tăng cao.

Ngày 03 tháng 01 năm 2011, Tập đoàn Thép (SAIL) - nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ đã tăng giá bán các loại khoảng 1000 Rs/tấn ( khoảng 22 USD/tấn), mức tăng tương đương 3% do chi phí đầu vào tăng. Giá quặng sắt đã tăng 5,22% trong quý 3 (tháng 01 đến tháng 3 năm 2011). Giá mặt hàng than cốc cũng đã tăng. Hiện tại, giá than cốc tại thị trường giao ngay ở quanh mức 260 USD- 265 USD/tấn tại Queensland - nơi sản xuất than lớn nhất của Úc đang phải đối mặt với tình trạng lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng vài thập kỷ gần đây.

2. Xi măng.

Theo Tạp chí Fitch cho biết, ngành Xi măng của Ấn Độ tiếp tục dư thừa dẫn đến tăng áp lực về giá lên các mặt hàng trong năm 2011.

Các nhà sản xuất xi măng Ấn Độ chịu áp lực về giá từ tháng 5 năm 2010 do tình trạng sản suất dư thừa. Giá xi măng trên thị trường bán lẻ hiện nay quanh mức 250 Rs/bao 50 kg tại Mumbai, 210 Rs tại Delhi, 255 Rs tại Chennai và 240 Rs tại Kokata (45 Rs tương đương 1 USD).

Tổng sản lượng thiết kết của các nhà máy xi măng Ấn Độ là 291,3 triệu tấn/năm trong năm 2010. Khoảng 34 triệu tấn/năm sẽ được bổ sung trong năm tài chính 2011, đưa tổng sản lượng một năm lên 325,2 triệu tấn. Mặt khác, nhu cầu xi măng tăng thêm khoảng 17 triệu tấn năm, đưa tổng nhu cầu xi măng trong năm tài chính 2011 là 217 triệu tấn.

Theo dự báo, nhu cầu xi măng của Ấn Độ sẽ tăng khoảng 10% và sản lượng bổ sung tăng 12% trong năm 2011. Việc vượt quá sản lượng sẽ gây tác động lên giá và gây áp lực cho các nhà sản xuất xi măng.

Khu vực phía nam có sự chênh lệch cung cầu lớn sẽ còn nới rộng hơn nữa và sẽ chứng kiến áp lực về giá càng mạnh, tiếp theo là các vùng phía Tây và Đông.

Doanh thu của các nhà sản xuất xi măng thấp từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2010 khi giá xi măng đang ở mức thấp và dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá nhẹ. Hơn nữa, giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển đang có xu hướng tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty xi măng.

3. Mặt hàng ôtô.

Tổng số 6 nhà sản xuất xe ôtô của Ấn Độ đã bán được 101.934 chiếc trong tháng 12 năm 2010 so với mức 90.959 chiếc của năm ngoái.

Hyundai là nhà sản xuất ôtô lớn thứ 2 của Ấn Độ sau công ty Maruti chiếm thị phần khoảng 21%. Maruti, chiếm khoảng 50% số lượng xe bán tại Ấn Độ sẽ công bố số liệu của tháng 12 trong vài ngày tới.

Công ty Hyundai có doanh số tăng 0,02%, đạt 47,228 chiếc, trong đó doanh số trong Ấn Độ tăng 17,6%, đạt 26.168 chiếc, xuất khẩu tiếp tục là mối lo ngại khi giảm 15,6%, đạt 21.060 chiếc.

Công ty Tata Motor bị chịu tác động mạnh trong tháng 11 với doanh số giảm trên hầu hết các mẫu xe, đã đạt mức tăng 28% đối với dòng xe khách. Doanh số của công ty đạt 19.977 chiếc trong tháng 12, so với mức 15.661 chiếc của một năm trước đây. Mẫu xe Nano có doanh số tăng trong tháng 12, đạt mức 5.784 chiếc so với mức 509 chiếc của tháng 11 năm 2010. Mẫu xe Indica có tốc độ tăng doanh số 40%, đạt 5.923 chiếc.

Công ty Mahindra & Mahindra có tốc độ tăng trưởng doanh số 28% đối với dòng xe trở khách, đạt 15.601 chiếc.

Đối với các nhà sản xuất xe hai bánh TVS Motor, Yamaha Motor và Công ty xe máy Honda Ấn Độ cùng đạt mức tăng doanh số 34% trong tháng 12, đạt 347.271 chiếc. Trong đó, TVS bán được 171.790 chiếc (tăng 42%), Yamaha và HMSI lần lượt bán được 34.839 chiếc (tăng 70%) và 140.642 chiếc (tăng 20%).

Trong tháng 1 năm 2011: Doanh số xe hơi tại Ấn Độ đạt mức tăng kỷ lục trong tháng 1/2011, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn so với tốc độ tăng lãi suất và chi phí sản xuất xe hơi. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Ấn Độ (Siam): doanh số xe hơi nội địa tăng 16,69%, đạt 1.322.979 chiếc so với mức 1.114.692 chiếc của cùng kỳ năm trước.

Doanh số xe ôtô tăng 26,3%, đạt 184.332 chiếc so với mức 114.692 chiếc của năm trước đó. Ông Sugato Sen, Giám đốc Siam cho biết “doanh số ôtô của tháng 01 là mức tăng cao nhất theo tháng, hơn cả mức tăng kỷ lục của tháng 10 năm trước. Nguyên nhân tăng trưởng chủ yếu là do việc bán hàng trong tháng 12 bị trì hoãn”. Trong tháng 10/2010, doanh số xe ôtô đạt 182.992 chiếc.

Tháng trước, Công ty Maruti Suzuki bán được 100.422 chiếc tại thị trường Ấn Độ, tăng 23,8% so với tháng 1/2010. Công ty Huyndai bán được 30.306 chiếc, tăng 2,4%. Doanh số của Công ty Tata tăng 111.6%, đạt 34.688 chiếc.

Doanh số xe hai bánh trong tháng 01 của Ấn Độ tăng 16,55%, đạt 980.752 chiếc từ mức 834.343 chiếc của năm trước. Trong khi doanh số xe máy tăng 15%, đạt 747.818 chiếc, doanh số xe scooter tăng trưởng 29,6%, đạt 180.072 chiếc.

Công ty Hero Honda đạt mức kỷ lục 15,7% đạt 423.434 chiếc, trong khi Công ty Bajaj Auto đạt mức tăng trưởng 7,1% đạt 192.026 chiếc.

Doanh số xe ba bánh tăng trưởng 22,64% đạt 47.480 chiếc, so với mức 38.715 chiếc trong tháng 1/2010. Doanh số xe thương mại tăng 12,6%, đạt 60.753 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

4. Mặt hàng lốp xe.

Sản lượng lốp xe của Ấn Độ tăng 19% trong tháng 11/2010.

Sản lượng lốp xe của Ấn Độ tiếp tục tăng trong tháng 11/2010 do doanh số mặt hàng phương tiện vận chuyển tăng nhanh, đặc biệt là xe ôtô và xe hai bánh. Trong tháng 11/2010, sản lượng đã tăng 19%, đạt 567.667 chiếc, từ mức 476.398 chiếc của cùng tháng năm 2009.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất lốp vận tải, tổng sản lượng 8 tháng (từ tháng 4 đến tháng 11) của năm tài chính 2010-2011 tăng 26%. Tổng sản lượng tăng lên 77,39 triệu chiếc từ mức 61,22 triệu chiếc của cùng kỳ năm tài chính trước.

Mức tăng lớn chủ yếu ở mảng mặt hàng lốp xe hai bánh (xe máy/xe điện), xe ba bánh và ôtô trở khách. Sản lượng lốp xe máy và xe điện tăng từ 4,68 triệu chiếc lên 7,9 triệu chiếc, tăng trưởng 68%.

Sản lượng lốp xe ba bánh tăng từ 3,33 triệu chiếc lên 4,67 triệu chiếc, đạt mức tăng 40%. Sản lượng lốp xe ôtô trở khách tăng lên 16,9 triệu chiếc, tăng 36%.

Lốp ôtô xe bus và xe tải tăng trưởng chỉ 8%, đạt 10,39 triệu chiếc so với mức 9,66 triệu chiếc của cùng kỳ năm tài chính trước. Loại lốp dành xe tải nhẹ đạt mức tăng trưởng thấp nhất, 4%.

Xuất khẩu các loại lốp công nghiệp, lốp xe Jeep, lốp xe bổ sung và lốp xe máy tăng 18%. Xuất khảu lốp của các loại xe tải, xe bus, xe hạng nhẹ và xe kéo đạt mức tăng trưởng âm, cụ thể: xuất khẩu lốp dành cho xe tải và xe bus giảm 11%, xe hạng nhẹ giảm 5%.

Tổng lượng xuất khẩu tăng 18%, đạt 4 triệu chiếc so với mức 3,4 triệu chiếc của giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2009 -10.

5. Mặt hàng kim hoàn

Xuất khẩu kim hoàn và đá quý của Ấn Độ vượt mức 30 tỷ đô la Mỹ trong năm tài chính 2010-2011 do nhu cầu cao từ thị trường các nước phương Tây như Mỹ và EU.

Hội đồng hỗ trợ xuất khẩu kim hoàn và đá quý Ấn Độ dự báo xuất khẩu các mặt hàng này của Ấn Độ trong năm tài chính 2010 – 2011 tăng 17,8%, đạt 33 tỷ USD.

Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2010, Ấn Độ xuất khẩu được 27,5 tỷ USD kim hoàn và đá quý, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà xuất khẩu của Ấn Độ kỳ vọng trong năm tài chính tới khi nhu cầu thế giới tăng mạnh sẽ làm tăng tốc độ xuất khẩu kim hoàn và đá quý lên 12%.

Nhằm giảm sự phụ thuộc và thị trường các nước phương Tây, Ấn Độ đang hướng tìm kiếm các thị trường mới như Nam Mỹ và Đông Á.

6. Mặt hàng nhựa

Chủ tịch Hội các nhà sản xuất nhựa Ấn Độ (AIPMA), ông Yogesh Shah cho biết: sản lượng ngành nhựa của Ấn Độ dự tính có mức tăng trưởng 60%, đạt 12,75 triệu tấn tới năm 2012 với sự tăng trưởng mạnh của tiêu dùng trong nước.

Hiện tại, nhu cầu và sản lượng nhựa của Ấn Độ khoảng 8 triệu tấn. Mức tiêu thụ nhựa của Ấn Độ đã có những tăng trưởng đáng ghi nhận trong vòng hai thập kỷ qua và dự kiến tới năm 2015, Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ nhiều về mặt hàng nhựa đứng thứ 3 trên thế giới.

Đối với xuất khẩu hàng nhựa thành phẩm, AIPMA hy vọng sẽ đạt 5,3 tỷ USD trong năm tài chính 2010-2011 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 15%, một trong những nguyên nhân đạt tỷ lệ tăng trưởng trên là đang có sự dịch chuyển nhu cầu đối với mặt hàng nhựa thành phẩm từ thị trường Trung Quốc sang thị trường Ấn Độ.

Hiện tại, Ấn Độ xuất khẩu các mặt hàng nhựa tới các nước ở khu vực châu Phi, một số nước châu Âu và Mỹ. Ấn Độ cũng đang khai phá và tiếp cận thị trường khác như Trung Quốc.

Ngành nhựa của Ấn Độ tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm và trong vòng 5 năm tới sẽ tạo ra gấp đôi số việc làm trên.

7. Mặt hàng cơ khí.

Chính phủ Ấn Độ đặt chỉ tiêu xuất khẩu 120 tỷ USD hàng cơ khí vào năm 2015.

Ngày 10/2/2011, Chính phủ cho biết đã đặt ra chỉ tiêu tham vọng 120 tỷ USD xuất khẩu hàng cơ khí vào năm 2015. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Anand Sharma cho biết: “Xuất khẩu hàng cơ khí của Ấn Độ đã đạt được 40 tỷ USD và hy vọng sẽ đạt 50 tỷ USD vào cuối năm tài chính này. Ngài Sharma cũng cho biết thêm: “Chúng ta duy trì sự quan tâm đến nhân tố này, chúng ta cần có các chính sách của Chính phủ với mục đích tham vọng xuất khẩu hàng cơ khí của Ấn Độ tăng gấp 3 lần, đạt 120 tỷ USD vào năm 2015.

*.Tình hình xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ trong tháng 01 năm 2011

Căn cứ số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 01/2011 đạt: 97.453.000 USD, tăng trưởng 85,8% so với cùng kỳ năm ngoái, các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao là: sắt thép các loại và các sản phẩm từ sắt thép (18.200.000 USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (7.900.000 USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (5.700.000 USD); Hóa chất và các sản phẩm hóa chất (4.600.000 USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (2.734.000 USD); gỗ và sản phẩm gỗ (2.300.000 USD); than đá (1.300.000 USD); giầy dép các loại: (1.100.000 USD).
  • Tags: