Giá dầu thô và crack spread những tháng cuối năm có thể ở mức cao
Động thái cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ đã cho thấy hiệu quả khi giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 8% so với thời điểm tháng 4/2023. Vừa qua, hai quốc gia chủ chốt của OPEC+ là Saudi Arabia và Nga tiếp tục tuyên bố giảm thêm sản lượng khai thác khiến giá dầu thô tăng vọt lên mức 90 USD/thùng – vùng giá cao nhất kể từ tháng 10/2022 đến nay. Nếu so với mức đáy hồi tháng 6/2023 thì giá dầu thô Brent hiện đã tăng tới 20%.
Hiện nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới nhận định giá dầu thô Brent sẽ duy trì ở mức trên 80 USD/thùng trong những tháng cuối năm nay. Thậm chí, tập đoàn Goldman Sachs cảnh báo, trong trường hợp OPEC+ duy trì toàn bộ toàn bộ việc giảm sản lượng như hiện nay cho đến hết năm 2024 và Saudi Arabia chỉ nâng dần sản lượng khai thác theo tình hình thị trường thì giá dầu Brent có thể đạt tới 107 USD/thùng vào tháng 12/2024.
Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới lên cao, KB Securities Vietnam (KBSV) nhận định mức crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) đối với các sản phẩm xăng RON 95 và 92 tại châu Á sẽ diễn biến tích cực trong nửa cuối năm nay do nhu cầu tăng cao trong mùa du lịch tại Mỹ và châu Âu khiến giá xăng tăng mạnh, gián tiếp kéo giá xăng châu Á tăng theo.
Đồng thời, mức nền thấp trong nửa cuối năm 2022 tạo ra dư địa tăng trưởng crack spread các sản phẩm xăng. Đối với nhiên liệu bay Jet A1, KBSV cho rằng mức crack spread của mặt hàng này sẽ duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu tăng mạnh trong mùa du lịch và động lực từ Trung Quốc khi quốc gia này đã gỡ bỏ hoàn toàn các giới hạn đường bay quốc tế từ tháng 9/2023.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất và công nghiệp toàn cầu vẫn đang đình trệ, KBSV cho rằng tiềm năng hồi phục của crack spread dầu Diesel trong nửa cuối năm nay chủ yếu đến từ khu vực Mỹ và châu Âu khi tồn kho dầu Diesel tại hai khu vực này duy trì ở mức thấp và các chỉ số vĩ mô của hai khu vực này đã có dấu hiệu cải thiện so với giai đoạn nửa đầu năm nay.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Hưởng lợi từ Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu quốc gia, cổ phiếu BSR tăng mạnh
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xăng dầu có xu hướng tăng dần về cuối năm và mức crack spread tăng trở lại, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR – sàn UPCoM) được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi này.
Theo đánh giá của KBSV, kết quả kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn đã chạm đáy trong quý 2/2023. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, doanh thu của Lọc hoá dầu Bình Sơn đã giảm mạnh 22% so với cùng kỳ năm ngoái do giá dầu Brent thấp hơn 24% so với mức nền cao cùng kỳ, tác động tiêu cực đến giá bán các sản phẩm của doanh nghiệp này.
Đồng thời, mức crack spread các sản phẩm tại châu Á giảm sâu so với mức nền cao cùng kỳ khi mức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc yếu hơn kỳ vọng, và các nhà máy lọc dầu trong khu vực đạt hiệu suất cao từ cuối năm 2022. Điều này khiến lợi nhuận gộp Lọc hoá dầu Bình Sơn trong nửa đầu năm 2023 giảm sâu 76% so với nửa đầu năm 2022.
Bên cạnh việc crack spread tăng trở lại, hoạt động kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn trong trung và dài hạn có thể được hưởng lợi từ việc Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt hồi tháng 7 vừa qua.
Mục tiêu của quy hoạch là để đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-90 ngày nhập ròng. Theo đó, Việt Nam sẽ xây mới 1-2 kho dự trữ dầu thô tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.
Theo KBSV, nguồn dầu thô đầu vào của Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ được ổn định cả về giá và sản lượng trong dài hạn nếu kho dự trữ dầu thô được xây dựng tại khu vực Dung Quất. Do các mỏ dầu nội địa đang suy giảm với tốc độ nhanh, Lọc hoá dầu Bình Sơn dự kiến sẽ cần nhập khẩu khoảng 30% lượng dầu thô đầu vào từ năm 2025.
Kiểm soát biến động giá dầu thô đầu vào là yếu tố trọng yếu trong hoạt động của Lọc hoá dầu Bình Sơn. Giá dầu thô giảm mạnh có thể tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này theo 2 hướng: Làm giảm giá các sản phẩm lọc dầu đầu ra; và Làm giảm giá trị hàng tồn kho, khiến công ty phải trích lập dự phòng, làm suy giảm lợi nhuận gộp.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 11/8, cổ phiếu BSR đạt 21.200 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu BSR đang có nhịp tăng mạnh với mức tăng hơn 16% chỉ trong vòng 10 ngày giao dịch gần đây, cùng với đó là thanh khoản tăng lên. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu BSR đã tăng hơn 65%.